Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên) là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại tỉnh. Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên điều trị. Một số trường hợp được nhập viện điều trị trực tiếp do đã xuất hiện các dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết như: phát ban, chảy máu chân răng, chảy máu mũi...
Sau một tuần điều trị, em Nguyễn Đăng Khoa (16 tuổi xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa) đã thoát khỏi “cửa tử”. Khi nhập viện, Khoa đã có các dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết như: nổi ban đỏ toàn thân, máu mũi chảy liên tục... Các bác sĩ đã phải nỗ lực hết sức và điều trị tích cực cho em. Em Khoa chia sẻ: May mắn là sức khỏe của em đã dần được bình phục. Lúc đầu, em không biết mình bị sốt xuất huyết nên ở nhà mua thuốc tự uống. Một ngày sau, em thấy người mệt mỏi, lúc nóng, lúc lạnh. Gia đình đưa đi khám, xét nghiệm và nhập viện điều trị ngay. Sốt xuất huyết làm cho cơ thể rất mệt mỏi và rất nguy hiểm.
Khi được chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết, bà Nguyễn Thị Hiếu (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tuy An nhưng có dấu hiệu trở nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để tiếp tục điều trị. Sau 6 ngày, sức khỏe của bà Hiếu đã ổn định và được bác sĩ cho xuất viện. Bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Sốt xuất huyết làm cho bà không ăn, không ngủ được trong nhiều ngày và sụt giảm sức khỏe. Trước đây, bà và nhiều người trong nhà nghĩ bệnh này đơn giản nhưng nay mắc phải, đã thấy sốt xuất huyết rất nguy hiểm...
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, tính đến tuần 23 của năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.011 ca sốt xuất huyết (cùng kỳ năm ngoái có 718 ca), trong đó có 4 ca rất nặng (gồm 2 trẻ em và 2 người lớn). Các địa phương có số ca mắc cao gồm huyện Tuy An, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa. Toàn tỉnh có 64 ổ bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng, ghi nhận tại 41/110 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố.
Dự báo, số ca mắc và số ổ bệnh sốt xuất huyết ở Phú Yên còn khả năng lan rộng khi chỉ số muỗi gây sốt xuất huyết bắt đầu tăng, tại địa phương xuất hiện nắng mưa xen kẽ. Bên cạnh đó, người dân có tập quán tích trữ nước và không xử lý các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà là nguyên nhân phát sinh muỗi. Việc các đơn vị y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong xử lý bệnh sốt xuất huyết cũng dẫn đến nguy cơ số ca bệnh chuyển biến nặng buộc phải chuyển tuyến.
Theo bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, Thời điểm này, bất cứ ai có dấu hiệu sốt phải nghĩ đến khả năng sốt xuất huyết để đi xét nghiệm sớm. Sốt xuất huyết khi có các dấu hiệu phát ban, chảy máu... là đã chuyển nặng nên rất nguy hiểm, cần sự thăm khám, điều trị của bác sĩ. Trong khi số ca bệnh có dấu hiệu tăng, y tế cơ sở cần phải thực hiện tốt việc điều trị theo phác đồ để hạn chế chuyển tuyến và gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương quyết liệt trong xử lý các ổ bệnh tại cộng đồng; tăng cường truyền thông diệt muỗi, diệt bọ gậy. Để đảm bảo công tác điều trị, Sở Y tế phải củng cố, duy trì hoạt động của nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết và đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các đơn vị khám, chữa bệnh.