Công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trường Y Icahn, Đại học Mount Sinai (Mỹ), thực hiện, trong đó đánh giá khả năng nhận thức của trẻ thông qua bài kiểm tra ghép giống có trì hoãn, một công cụ được quốc tế công nhận để đo lường hiệu suất trí nhớ ở trẻ nhỏ.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình thống kê tiên tiến được triển khai thành công trong các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật và con người, và nay được điều chỉnh phù hợp với phân tích dữ liệu trong lĩnh vực dịch tễ học môi trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ 4 - 6 tuổi có nồng độ chì trong máu cao thường quên nhanh hơn những trẻ khác, ngay cả khi mức đô phơi nhiễm là tương đối thấp. Cụ thể, mức chì trung bình chỉ khoảng 1,7 microgam/decilit máu đã cho thấy rõ tác động tiêu cực đến trí nhớ của trẻ.
Theo các tác giả, phát hiện này nhấn mạnh thực tế rằng phơi nhiễm chì ở ngưỡng rất thấp vẫn có thể làm tổn hại đến các chức năng thần kinh then chốt trong giai đoạn phát triển não bộ quan trọng của trẻ nhỏ. Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phơi nhiễm chì, nhất là tại các cộng đồng yếu thế vốn phải chịu gánh nặng môi trường tích tụ qua nhiều thế hệ.