Hội nghị có sự tham gia lãnh đạo các hội chuyên ngành liên quan; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa-gan mật tụy trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Anh, Mỹ, Bỉ...
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc chẩn đoán, xây dựng kế hoạch điều trị, chiến lược điều trị dự phòng các bệnh về đường tiêu hóa với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Ung thư liên quan đến tiêu hóa là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam nhấn mạnh: Hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể.
“Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng và trong những năm gần đây luôn đứng trong top 5 những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta”.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IACR) ghi nhận trong báo cáo năm 2020 về ung thư toàn cầu, từ năm 2018, Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc mới ung thư. Năm loại ung thư phổ biến năm 2020 lần lượt là ung thư gan, phổi, ung thư vú (ở nữ), dạ dày và đại trực tràng.
Việt Nam có hơn 26.000 trường hợp mới mắc ung thư gan/năm - tỷ lệ này cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm có gần 20.000 trường hợp tử vong.
Nước ta cũng nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao trên thế giới. Mỗi năm ghi nhận 17.500 ca mắc mới ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong; gần 15.000 ca mắc ung thư đại tràng mới và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.
Nghiên cứu tác động của COVID-19 tới bệnh lý đường tiêu hóa
Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết, Hội nghị đã nhận được gần 120 báo cáo khoa học từ các bệnh lý thông thường đến bệnh lý phức tạp và các phác đồ điều trị mới. Trong đó có nhiều nội dung phong phú, đặc biệt có một nội dung liên quan tới sự tác động của COVID-19 tới bệnh lý đường tiêu hóa.
Trong chuyên đề Tác động của COVID-19 tới bệnh lý đường tiêu hóa, tại báo cáo khoa học về Biểu hiện lâm sàng về bệnh tiêu hóa của bệnh nhân COVID-29, báo cáo viên Trần Đăng Khoa, Bộ môn Nhiễm, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, triệu chứng lâm sàng của COVID-19 rất đa dạng, ngoài biểu hiện chính ở đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng tiêu hóa cũng là biểu hiện thường gặp nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Các nghiên cứu ghi nhận triệu chứng tiêu hóa ở bệnh nhân COVID-19 đang nhiễm và hậu nhiễm lên đến 79 % và thường xuất hiện trước cả các biểu hiện hô hấp.
Các triệu chứng ghi nhận như: tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon, nôn và buồn nôn, nghiêm trọng hơn là biểu hiện xuất huyết tiêu hóa. Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở tất cả các mức độ bệnh COVID-19 từ nhẹ, trung bình, nặng thậm chí sau khi khỏi COVID - 19 với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, tuy nhiên đều dẫn đến hậu quả là giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân…
Cùng với các báo cáo về tác động của COVID-19 tới bệnh lý đường tiêu hóa còn có báo cáo về hoạt động Phẫu thuật trong đại dịch COVID-19; Tần suất, nguyên nhân, can thiệp y khoa và kết cục xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân COVID-19 nhập viện; COVID-19: Các biến thể và vaccine…
Trong số gần 120 báo cáo được gửi đến, Hội nghị đã chọn 58 báo cáo trực tiếp, trong đó có 6 báo cáo của các báo cáo viên nước ngoài gồm: Ba báo cáo của chuyên gia Nhật Bản; Anh, Mỹ và Bỉ mỗi nước một báo cáo qua hệ thống Telemedicine tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 52 báo cáo của các báo cáo viên trong nước; cùng 39 báo cáo bằng poster.
Các báo cáo được chia thành 10 chuyên đề như: Nhận biết các bệnh lý đường tiêu hóa trên và hướng điều trị; Thách thức trong điều trị viêm loét đại tràng trực tràng chảy máu; Tác động của COVID-19 tới bệnh lý đường tiêu hóa; Báo cáo tổng quan và các nghiên cứu mới; Thách thức trong điều trị GERD ngoài thực quản; Stress và IBS trong thời đại dịch COVID-19; Bệnh lý đại tràng và rối loạn vận động đường tiêu hóa; Ung thư gan và bệnh lý gan mạn tính; Nội soi trong bệnh lý đường tiêu hóa.
Tại Hội nghị năm nay tiếp tục duy trì chương trình đào tạo liên tục (CME) và 2 hội thảo vệ tinh về bệnh lý trào ngược dạ dày, thực quản và ảnh hưởng của COVID-19 tới yếu tố tâm lý và bệnh lý tiêu hóa.