Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thông báo của Viện Weizmann cho biết các liệu pháp tăng cường miễn dịch đang được áp dụng trên thế giới hiện nay đã mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư có thể vượt qua căn bệnh nan y này. Tuy nhiên, để liệu pháp hoạt động hiệu quả, hệ miễn dịch của bệnh nhân phải “nhìn thấy” được khối u thông qua “điểm nóng”. Đây là thuật ngữ chỉ cấu trúc vật lý nằm ở màng ngoài của tế bào ung thư, chứa các kháng nguyên đột biến có tên neoantigen. Các tế bào lympo T của hệ miễn dịch sẽ phát hiện đây là nhân tố ngoại lai và sẽ tìm tới để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Điều đáng nói là các neoantigen này mang tính đặc thù, đòi hỏi các bác sĩ phải chẩn đoán và áp dụng các công cụ khác nhau cho mỗi bệnh nhân, và tế bào T có “nhìn” được “điểm nóng” hay không lại phụ thuộc vào sự may mắn.
Trong nghiên cứu của mình, Giáo sư Yardena Samuels thuộc Phòng Sinh học tế bào phân tử của Viện Weizmann và đồng nghiệp đã tìm kiếm cơ sở dữ liệu quốc tế để lấy thông tin về bộ gene của hàng nghìn bệnh nhân ung thư, chủ yếu là ác tính, sau đó áp dụng các thuật toán để phân tích và phân lập một loại neoantigen phổ biến. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu tiến hành một loạt thí nghiệm để “huấn luyện” tế bào T khả năng nhận diện các neoantigen ngoại lai và thông qua chúng tìm diệt các tế bào khối u với hiệu suất cao.
Giáo sư Yardena Samuels giải thích, nghiên cứu sẽ hỗ trợ các liệu pháp miễn dịch hiện nay chuẩn bị sẵn các thụ thể để giúp tế bào T dễ dàng phát hiện “điểm nóng” ung thư. Ông hy vọng phát hiện mới sẽ giúp liệu pháp điều trị miễn dịch được áp dụng một cách đại trà và chữa trị cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.