Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm trong ống nghiệm đối với tế bào ung thư của người và thí nghiệm trực tiếp trên cơ thể đối với chuột. Nhóm nghiên cứu đã đưa tế bào ung thư vào cơ thể chuột, sau đó bơm eosinophil vào một vài con trong số đó. Khoảng 9 ngày sau khi được tiêm bạch cầu eosinophil, kích thước tổng thể của các khối u ở chuột đã giảm trung bình còn một nửa so với những con không được tiêm.
Giáo sư Ariel Munitz cho biết một số nghiên cứu trước đây đã tìm hiểu về khả năng chống ung thư của bạch cầu eosinophil, nhưng nghiên cứu này đã phác thảo ra một bức tranh rõ ràng nhất về tiềm năng của chúng. Nhóm nghiên cứu sẽ bắt tay vào phát triển liệu pháp miễn dịch dựa trên eosinophil. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều năm, nhưng nếu thành công sẽ tạo ra một phương pháp điều trị “kép” chống ung thư. “Kép” ở đây được hiểu là bạch cầu eosinophil vừa có khả năng trực tiếp làm giảm kích thước khối u, vừa có thể huy động các tế bào chống ung thư khác tấn công khối u.
Giáo sư Munitz cho biết thêm thêm ý tưởng trên xuất phát từ thực tế bạch cầu eosinophil có sức “tàn phá” tế bào rất mạnh mẽ và gây ra một số bệnh dị ứng, do đó có thể lợi dụng khả năng này để tấn công tế bào ung thư.