Tại Bệnh viện nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám rất đông. |
Nhiều trẻ "đổ bệnh"
Nắng nóng khiến nhiều trẻ ho, sốt cao đột ngột phải đi khám. |
Nhiều bé chỉ vài tháng tuổi cũng phải chen chúc đi khám. |
Buổi sáng tại khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong khi bên ngoài thời tiết nóng nực, phía trong khu khám bệnh rất đông, hành lang trước cửa các phòng khám đều kín người đứng xếp hàng, số ghế chờ không đủ, nhiều người phải ngồi cả dưới nền. Đợt nắng nóng kéo dài mấy ngày nay khiến hầu hết trẻ đến khám đều trong tình trạng viêm đường hô hấp như: Ho, sốt cao, viêm phế quản, viêm phổi…
Bé Đoàn Quốc Dũng bị viêm phổi cấp đang phải điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã 2 ngày nay. |
Đang nằm điều trị tại phòng Cấp cứu, khoa Cấp cứu chống độc, bé Đoàn Quốc Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đỡ hơn sau 2 ngày nhập viện. Bà nội bé cho biết: “Cháu tôi đang điều trị viêm phế quản thì cách đây 2 ngày cháu bỗng sốt cao đột ngột, lên cơn khó thở và li bì, mắt lờ đờ; gia đình tôi đã phải đưa ngay cháu vào viện cấp cứu và được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi cấp. Mấy hôm nay trời nóng quá nên cháu tôi bị biến chứng sang viêm phổi rất nhanh”.
Số trẻ bị viêm đường hô hấp đến khám tăng đột cao. |
Ngồi trong phòng khám, mẹ bé Nguyễn Phú Hoàng Sơn. (Hoài Đức, Hà Nội) cũng tỏ ra lo lắng: “Hôm trước đi khám con tôi chỉ bị viêm mũi nhẹ nhưng từ chiều qua đến giờ cháu bị nặng lên, khò khè, quấy khóc nhiều, không chịu chơi và đã chớm viêm phổi. Trời nắng nóng lại phải đưa con từ Hoài Đức lên đây khám khá xa nên gia đình tôi phải đi từ sáng sớm và đi bằng taxi cho yên tâm”.
Trong những ngày nắng nóng này, rất nhiều trẻ bị mắc bệnh đường hô hấp đã phải nhập viện. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2.500- 3.000 trẻ đến khám và nhập viện điều trị.
Bé P.Đ.M ( 6 tháng tuổi, ở Nam Định) bị sốt không rõ nguyên nhân đã 2 ngày nay, gia đình sốt ruột nên đưa bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. |
Ths.BS. Ngô Anh Vinh Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, đợt nắng nóng cao điểm này đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe trẻ em. Riêng Khoa Cấp cứu đón tiếp trung bình từ 100-120 bệnh nhi/ngày và có những ngày còn cao hơn. Nắng nóng cũng là nguyên nhân gây tăng cao các bệnh truyền nhiễm như: Viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, sốt xuất huyết, chân tay miệng, viêm não, tiêu hóa…
Còn tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, mấy tuần nắng nóng gần đây cũng gia tăng bệnh nhi nhập viện đến mức quá tải. Nếu mọi khi Khoa luôn có 2-3 giường trống để đón tiếp bệnh nhân mới thì những ngày gần đây nhiều trẻ nhập viện phải chờ, thở máy để ở khu cấp cứu để đợi giường điều trị.
Theo TS.BS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, gần đây số bệnh nhi mắc viêm não có dấu hiệu tăng cao, thời tiết nắng nóng lại đúng vào thời điểm đang là mùa của bệnh Viêm não Nhật Bản nên có rất nhiều trẻ mắc bệnh phải nhập viện. Thậm chí gần đây, độ tuổi mắc bệnh viêm não còn có dấu hiệu dịch chuyển lên, có trẻ 14- 16 tuổi vẫn mắc bệnh.
Cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ vào ngày nắng nóng
Cũng theo BS. Vinh, ngoài những bệnh truyền nhiễm dễ mắc vào mùa nóng, những ngày nhiệt độ tăng cao trẻ còn có thể bị say nắng. Khi trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn và mất nước.
Khi bị say nắng, trẻ tỏ ra mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… lúc này thân nhiệt của trẻ có khi lên tới 39,5 độ C hoặc có thể cao hơn nữa. Ngoài ra, ở trẻ còn có các dấu hiệu như da nóng đỏ, mạch nhanh, buồn nôn; tình trạng nặng hơn là trẻ có thể bị hôn mê, rối loạn ý thức, say nắng còn có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy trong ngày nóng, cha mẹ cần theo dõi sát các biểu hiện của trẻ khi thấy trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm cần nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm cấp cứu gần nhất, đồng thời tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách chườm mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho trẻ uống bù nước và các dung dịch điện giải.
“Để phòng bệnh cho trẻ vào mùa nóng, cha mẹ có con nhỏ cần chú ý chăm sóc trẻ hợp lý như: Cho trẻ ở trong nhà thoáng mát, tránh để cho trẻ hoạt động, vui chơi ngoài nắng quá lâu. Bảo quản tốt thức ăn cho trẻ vào mùa hè, cho trẻ ăn thức ăn chín và uống nước đun sôi. Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ hàng ngày, vệ sinh môi trường nhà ở; hướng dẫn trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi ăn, tránh tiếp xúc với các nguồn gây bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vắc xin, đây cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất cho trẻ”, BS. Vinh khuyến cáo.