Không biết bệnh diễn biến nặng
Hai tuần gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân đã trong tình trạng nặng. Hiện tại bệnh viện có 30 bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Xuất hiện đau đầu khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân T.N.N chủ quan không đến cơ sở y tế thăm khám, tự uống thuốc tại nhà. Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, mệt mỏi gia tăng, bệnh nhân mới đi khám, thì tiểu cầu đã hạ thấp xuống mức 13, tràn dịch màng phổi, ổ bụng; phải nhập viện gấp để cấp cứu.
“Tôi thấy mình đã quá chủ quan với sốt xuất huyết; rất may tôi đã nhập viện kịp thời. Tôi nghĩ bệnh nhân sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để được theo dõi sớm, tránh bị biến chứng nặng, vì người bệnh không biết được tình trạng hạ tiểu cầu, nếu để tụt xuống quá thấp sẽ rất nguy hiểm”, bệnh nhân chia sẻ.
Cũng đang điều trị tại đây, bệnh nhân N.T.H đã qua giai đoạn nguy hiểm, trên người vẫn còn các mảng ban xuất huyết dày, đỏ. Theo lời kể của bệnh nhân, khi tự điều trị tại nhà, chị đã có triệu chứng miệng đắng, buồn nôn, đi ngoài; tới khi nặng quá mới đến bệnh viện. Theo các bác sĩ, men gan của bệnh nhân đã tăng cao tới hơn 40 lần so với bình thường, phổi đã có dịch.
BS. Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu từ ban đầu, mà chủ yếu theo dõi điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ; phát hiện sớm các trường hợp nặng để điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa tới bệnh viện khi đã muộn, diễn biến rất nặng, nếu các diễn biến nặng không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm. Một số trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng với các biểu hiện thường gặp như: Thoát huyết tương gây truỵ mạch, tiểu cầu giảm quá thấp gây hiện tượng chảy máu dưới da, niêm mạc gây mất máu cấp...”.
BS. Trần Duy Hưng cũng cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết không có miễn dịch bền vững nên người dân có thể mắc đi mắc lại nhiều lần; thậm chí có những người 1 mùa dịch có thể mắc sốt xuất huyết tới 2 lần với 2 tuýp khác nhau. Thậm chí, có nhiều trường hợp từng mắc sốt xuất huyết 1 lần, đã có thể kháng thể nhưng lần sau mắc lại chính điều naỳ lại có thể tạo ra phản ứng trong cơ thể dữ dội hơn, nặng hơn.
Phát hiện sớm, không chủ quan
Đáng lo ngại, hiện bệnh sốt xuất huyết đã vào “mùa” khi thời tiết nóng, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Năm nay, dịch cũng đến sớm hơn mọi năm, vì vậy người dân không nên chủ quan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: “Nhiều người khi bị sốt thường nghĩ là do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai... thì mới đến viện và phát hiện bệnh. Khi đó, bệnh nhân đã trong tình trạng nặng, phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… rất nguy hiểm”.
Theo đó, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu chỉ cần làm xét nghiệm máu, khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng 1 vài giờ. Khi bị sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu của người bệnh sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc); bệnh ở mức nguy hiểm khi tiểu cầu của người bệnh giảm xuống dưới 50 G/L (ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L).
Một số biểu hiện cho thấy bệnh nhân đã diễn biến nặng như: Tiểu cầu giảm nhanh, xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (ở nữ giới); có biểu hiện do cô đặc máu như: Chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng-màng phổi… cần đi đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy; cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.