Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, mỗi tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tăng thêm 10% so với tuần trước; tay chân miệng mỗi tuần cũng tăng khoảng 60 -100 ca mắc mới. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang nhưng cũng không nên chủ quan.
“Tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc mới của tay chân miệng và sốt xuất huyết đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đáng quan tâm đó là tỷ lệ ca bệnh nặng trên số ca mắc mới ở cả 2 dịch bệnh trên đều tăng. Ví dụ, nếu như năm trước 100 ca mắc thì chỉ có 10 ca bệnh nặng, còn năm nay, 100 ca mắc mới nhưng có khoảng 20 ca nặng”, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm của toàn xã hội và các cấp chính quyền. Ngành y tế là đầu mối hướng dẫn về chuyên môn, còn để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả thì cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như sự chung tay của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong đó, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của Thành phố là bệnh viện tuyến cuối để thu dung điều trị bệnh này. Cùng với đó là thành lập tổ chuyên gia điều trị, đồng thời hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện ở các tỉnh lân cận.
Theo giám sát, các điểm có lăng quăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn khá nhiều, chiếm gần 50%. Vì vậy, người dân cần tránh để nước đọng tại nơi sinh hoạt, làm việc, thông tin đến ngành y tế những điểm có nước đọng ngoài tầm xử lý (như các công trình xây dựng) thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để đơn vị có phương án xử lý.
Để phòng bệnh tay chân miệng, phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay và vệ sinh các vật dụng, đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện dấu hiệu mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời.