TP Hồ Chí Minh: Quyết liệt kìm đà tăng của sốt xuất huyết và tay chân miệng​

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới không ngừng gia tăng.

Mặc dù lũy kế ca bệnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng năm nay số ca mắc bệnh nặng, đặc biệt ở bệnh tay chân miệng đang là vấn đề đáng lo ngại. Các bác sĩ dự báo, nguy cơ “dịch chồng dịch” có thể xảy ra nếu không có các giải pháp phòng, chống kịp thời.

Chú thích ảnh
 Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh phải cho 2 trẻ nằm ghép trên một giường bệnh. Ảnh: TTXVN phát

Tay chân miệng bùng phát, sốt xuất huyết tiềm ẩn nguy cơ

Những ngày gần đây, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang gia tăng nhanh chóng. Tại một số bệnh viện tuyến cuối, số lượng trẻ nhập viện điều trị tăng gấp 3-4 lần so với 1 tháng trước. Tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện điều trị cho khoảng 200 trẻ mắc tay chân miệng. Số trẻ mắc mới nhập viện cũng gia tăng mỗi ngày, đặc biệt số ca nặng cũng không ngừng tăng. Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, chuyển độ đột ngột. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ mới 6 tháng tuổi, được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1 tại bệnh viện địa phương sau khi bị sốt 3 ngày. Tuy nhiên, 1 ngày sau trẻ đã chuyển sang độ 4, suy hô hấp, tím tái, trụy tim mạch và được chuyển viện lên tuyến trên. Tại đây các bác sĩ đã phải mở nội khí quản, lọc máu liên tục mới có thể giữ được tính mạng cho trẻ.

Tình hình tương tự tại Khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 40/50 giường bệnh đã kín bệnh nhi điều trị tay chân miệng. Hầu hết các bệnh nhi đều mắc tay chân miệng độ 2a. Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng không ngừng gia tăng, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng các phương án tăng thêm giường bệnh, bổ sung nhân sự nhằm đảm bảo điều trị kịp thời cho trẻ.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong tháng 6, toàn Thành phố ghi nhận 2.690 ca mắc tay chân miệng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố có 4.500 trẻ mắc tay chân miệng. Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018, Ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 8.519 ca bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Sở Y tế dự báo, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại Thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10. Trong khi đó, qua giám sát điểm nguy cơ của Sở Y tế, có đến 48% điểm nguy cơ trên địa bàn (49/103 điểm) có lăng quăng (bọ gậy). Đơn cử như khi kiểm tra 3 điểm nguy cơ tại Phường 11, Quận 3 thì cả 3 điểm đều có lăng quăng gồm: 1 hộ dân, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ và 1 ngôi chùa. Tương tự, 3 điểm nguy cơ tại phường An Lạc, quận Bình Tân cũng đều phát hiện lăng quăng. Lăng quăng được phát hiện trong các vật chứa là lốp xe hỏng, tấm đậy trên phuy nước, các vũng nước đọng ở chợ, khu dân cư…

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đây là con số đáng báo động bởi tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi Thành phố chính thức bước vào mùa mưa. “Nếu không có các biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ thì nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát sẽ hiện hữu”, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại.

Triển khai quyết liệt nhiều biện pháp

Ngành Y tế  Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ tháng 5. Đối với sốt xuất huyết, một trong các giải pháp quan trọng là phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn về điều trị cũng như can thiệp phòng bệnh tại cộng đồng; tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị, duy trì hoạt động Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết của Sở Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị, đồng thời tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ đối với người mắc sốt xuất huyết nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tăng cường hoạt động giám sát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Tất cả các điểm nguy cơ có lăng quăng đều đã được các Trạm Y tế hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tổng vệ sinh, dọn dẹp, xử lý vật chứa và sẽ tái giám sát sau một tuần. Những điểm nguy cơ mà không tuân thủ hướng dẫn xử lý sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Đối với những điểm nguy cơ có lăng quăng, khó xử lý, Sở Y tế đã có văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có hướng chỉ đạo xử lý.

Đối với dịch bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản ứng phó gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Thành phố cũng thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các cơ sở y tế trong Thành phố và các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam nhằm đảm bảo công tác chuyển viện an toàn. Sở Y tế phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Ngành Y tế cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh được cập nhật hàng ngày với những hình thức truyền thông đa dạng như: video phóng sự, đăng tin trên Fanpage, Tiktok, xe loa cổ động, phát thanh, phát tờ rơi, tư vấn sức khỏe, truyền thông nhóm, nói chuyện sức khỏe... nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cũng như cập nhật các kiến thức về dấu hiệu chuyển nặng cho người dân.

Đinh Hằng (TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng
Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng

Những ngày gần đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng. Một số bệnh viện tuyến cuối của Thành phố đã phải kê thêm giường bệnh, bổ sung nhân sự nhằm đảm bảo công tác điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN