Nhân Tuần lễ Tiêm chủng thế giới: Vaccine đồng hành cùng con người chiến thắng dịch bệnh

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, chỉ sau 4 tháng bùng phát từ Trung Quốc đã lây lan khó kiểm soát trên toàn cầu với hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 190.000 ca tử vong, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng phát triển loại vaccine phòng COVID-19 vì đây là “công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD” thiệt hại kinh tế.

Một lần nữa, vai trò của vaccine như một "vũ khí" hữu hiệu và mạnh mẽ giúp con người chiến thắng đại dịch lại được nhấn mạnh, nhất là trong Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, bắt đầu từ ngày 24/4. 

Chú thích ảnh
Vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được bào chế tại phòng thí nghiệm ở Rockville, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ thời kỳ đầu tiên được sử dụng như một biện pháp ngừa bệnh đậu mùa ở châu Âu cuối thế kỷ XVIII, tiêm chủng vaccine qua nhiều thế kỷ đã chứng tỏ là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất giúp con người có thể chủ động phòng chống các loại bệnh vốn được coi như “kẻ giết người hàng loạt” thầm lặng. Tiêm chủng giúp ngăn ngừa nguy cơ tàn tật và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, quai bị, viêm phổi, lao… ở trẻ em, hay các dịch bệnh gây chết người như cúm, viêm màng não và một số loại ung thư. Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch chủ động để bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm.

Vaccine đã trở thành vũ khí đồng hành cùng con người chiến thắng nhiều căn bệnh hiểm nghèo, như bệnh đậu mùa, bại liệt... Bệnh đậu mùa, từng cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Thế giới hiện đang tiến gần đến mốc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt sau khi 85% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới đã nhận được 3 liều vaccine phòng bệnh. Số ca mắc bạch hầu, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60, cũng giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống dưới 10.000 trường hợp như hiện nay.  

Cũng nhờ có vaccine, bệnh uốn ván ở mẹ và uốn ván sơ sinh đã được loại trừ ở 3 khu vực trên thế giới gồm Đông Nam Á, nơi có gần 1/4 dân số toàn cầu, khu vực châu Mỹ và khu vực châu Âu. WHO ước tính trong năm 2017 có gần 31.000 trẻ sơ sinh tử vong do uốn ván, giảm 85% so với năm 2000. Số phụ nữ thiệt mạng hằng năm do uốn ván khi sinh con cũng ghi nhận ở mức cao. Và còn nhiều dịch bệnh khác mà nhiều nơi trên thế giới đã ngăn chặn và hạn chế được nhờ có vaccine.

Mỗi năm, tiêm chủng vaccine giúp "cứu sống" từ 2 đến 3 triệu người. Mở rộng tiếp cận với tiêm chủng thường xuyên không chỉ là nền tảng cho một hệ thống y tế mạnh mẽ mà còn là cách thức phòng và chữa bệnh tiết kiệm nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Xóa sổ bệnh đậu mùa cũng giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Theo báo cáo của Viện Y tế Mỹ, cứ chi 1 USD cho riêng vaccine sởi-quai bị-tubella thì tiết kiệm được 21 USD

Đó là lý do khi đại dịch COVID-19 hoành hành, con người đã nghĩ ngay tới vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Giám đốc điều hành Công ty dược phẩm Inovioc của Mỹ Joseph Kim nhận định “nếu không có một loại vaccine an toàn và hiệu quả mới, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục đe dọa mạng sống của thêm nhiều người trên khắp thế giới”. Một cuộc chạy đua đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu để tìm ra loại vaccine an toàn ngừa COVID-19.

Theo WHO, có tới hơn 50 “ứng cử viên” vaccine ngừa COVID-19 đang được đánh giá lâm sàng và phát triển ở nhiều nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, như đánh giá của Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO, khi phát triển bất kỳ sản phẩm nào dùng để tiêm phòng cho phần lớn dân số thế giới, tất cả các xét nghiệm cần thiết phải được thực hiện hết sức thận trọng, bởi "một dịch bệnh đã tồi tệ có thể còn nguy hiểm hơn nếu một loại vaccine không tốt được sử dụng". Việc chạy đua để phát triển vaccine mà không có sự hợp tác toàn cầu có thể sẽ dẫn đến những vaccine không an toàn, thiếu thời gian kiểm nghiệm. Điều này đặc biệt nguy hiểm, vì khi đó vaccine sẽ trở thành loại thuốc làm lây lan nhanh hơn COVID-19 hoặc gây biến chứng, nhất là làm yếu hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, WHO cũng đang phải đối mặt với một thách thức khác trong việc phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, đó là làm thế nào có đủ vaccine để tiêm chủng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Theo ông Ryan, thế giới chỉ có thể được bảo vệ hoàn toàn khỏi căn bệnh này trừ khi tất cả mọi người được tiêm phòng đầy đủ. Phân phối vaccine công bằng là điều cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng. Nói cách khác, việc tiếp cận vaccine miễn phí hoặc chi phí thấp có vai trò quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Không phải ngẫu nhiên mà trong một tuyên bố mới đây, Tiến sĩ Jonas Salk, nhà khoa học Mỹ, người đầu tiên phát triển thành công vaccine phòng bại liệt an toàn và hiệu quả, nhấn mạnh rằng "thành quả mà nhóm của ông phát triển thuộc về nhân loại".

Trong một thế giới luôn biến đổi như ngày nay, kinh tế-xã hội phát triển đi kèm với tình trạng biến đổi khí hậu khiến môi trường sống thay đổi, con người cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro dịch bệnh hơn. Chỉ trong 5 năm qua, thế giới đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng như Ebola, Zika, MERS và hiện nay là COVID-19. "Vaccine là một trong những công cụ quan trọng nhất của chúng ta để phòng dịch và giữ cho thế giới an toàn”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra tuyên bố này nhằm khẳng định rằng tiêm chủng và vaccine là “chìa khóa” chống lại các dịch bệnh nảy sinh trong xã hội ngày càng phát triển.

Tuần lễ Tiêm chủng quốc tế 2020 tiếp tục đặt mục tiêu cơ bản là thúc đẩy sự tham gia tiêm chủng nhiều hơn trên toàn cầu để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện sức khỏe, giảm nghèo đói, nâng cao phúc lợi của mọi người ở mọi nơi trong suốt cuộc đời và để đảm bảo rằng dịch bệnh không còn là mối đe dọa đối với nhân loại.

Trần Quyên (TTXVN)
Canada đầu tư hơn 1 tỷ CAD để nghiên cứu vaccine và biện pháp điều trị COVID-19
Canada đầu tư hơn 1 tỷ CAD để nghiên cứu vaccine và biện pháp điều trị COVID-19

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ nước này sẽ chi 1,1 tỷ CAD (780 triệu USD) để "tổng động viên" các chuyên gia nghiên cứu vaccine và tìm cách điều trị bệnh COVID-19. Khoản tiền này cũng được dành để hỗ trợ mở rộng xét nghiệm COVID-19 và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN