Người lớn mắc sởi, vẫn diễn biến nặng, suy hô hấp

Xuất hiện sốt, phát ban, đỏ mắt, người đàn ông được chẩn đoán mắc sởi diễn biến nặng sau vài ngày tự điều trị tại nhà.

Chú thích ảnh
Người đàn ông mắc sởi, diễn biến nặng. Ảnh: BS

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam N. V. T, (56 tuổi, ở Hà Tĩnh) được chuyển đến trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau; chuyển sang suy hô hấp cấp.

Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi và mắt đỏ. Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau ở hiệu thuốc gần nhà để uống nhưng không thấy có cải thiện.

Sau 6 ngày tự uống thuốc điều trị tại nhà, bệnh nhân vẫn đau đầu, sốt cao, người mệt nhiều, khó thở, sung huyết kết mạc mắt gây khó chịu nhiều và xuất hiện ban đỏ ở vùng đầu, mặt sau lan xuống vùng cổ, ngực. Bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế tuyến dưới và được chuyển đến Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 

BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiếp tục chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực can thiệp hỗ trợ thở oxy lưu lượng cao và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn. Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng. Đến nay, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp đã được cải thiện rõ rệt, các chỉ số đã về mức ổn định, ban nổi toàn thân".

BS. Phạm Văn Phúc cảnh báo: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus sởi gây nên, lây qua đường hô hấp. Bệnh nhân sởi có các biểu hiện: Sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa. Người mắc sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não.

Theo đó, người lớn ít khi mắc bệnh sởi. Người lớn mắc bệnh sởi thường gặp ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ như: Những người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; những người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; điều trị hóa chất, ung thư… Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.

BS. Phạm Văn Phúc khuyến cáo: Hiện nay đã có nhiều loại vaccine sởi được sản xuất dưới dạng vaccine đơn hoặc vaccine đôi phối hợp (Sởi - Rubella hoặc Sởi - Quai bị - Rubella). Sau khi tiêm, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi... Vì vậy, để phòng bệnh sởi người dân nên đi tiêm phòng vaccine sởi để có miễn dịch phòng bệnh.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Số ca mắc sởi tiếp tục tăng, TP Hồ Chí Minh thêm 2 nhóm đối tượng tiêm vaccine 
Số ca mắc sởi tiếp tục tăng, TP Hồ Chí Minh thêm 2 nhóm đối tượng tiêm vaccine 

Trước diễn biến dịch sởi gia tăng, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng tiêm vaccine song song với kiến nghị tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN