Bệnh nhân C.T.V (nam, 42 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) có tiền sử bị suy thận giai đoạn 4, tăng huyết áp, đang thăm khám và uống thuốc định kỳ. Trước khi nhập viện 1 tuần, anh V được người quen giới thiệu bài thuốc dân gian nước lá cây được “rỉ tai” điều trị hiệu quả bệnh suy thận. Thành phần chủ yếu gồm cỏ mực và nhiều lá thuốc không rõ loại. Sau khi uống xong, anh V có biểu hiện mệt, chóng mặt, ăn khó tiêu, người sưng phù và được người nhà đưa nhập viện ngày 30/8.
Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị đợt cấp suy thận mạn (bệnh lý suy thận mạn xảy ra với bệnh nhân đã có tiền sử bị các bệnh liên quan đến thận), thiếu máu mạn mức độ nặng, tăng huyết áp. Ngay sau đó, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, truyền máu, dùng các loại thuốc hỗ trợ và bảo vệ thận để cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng người bệnh ổn, chỉ số sinh hiệu ổn định. Bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị ngoại trú.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Mai Lan, Trưởng khoa Thận Niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra. Việc tự ý sử dụng thuốc Nam thay vì điều trị bệnh theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ đã khiến nhiều trường hợp mắc bệnh suy thận có diễn tiến nặng phải cấp cứu, thậm chí tử vong.
Cũng theo các bác sĩ, trong nhiều loại bệnh, việc điều trị thuốc Đông - Tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh phải dùng thuốc Nam là những bài thuốc y học cổ truyền được công nhận, được cấp phép, không nên tự ý dùng thuốc Nam trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là tự chữa bệnh bằng những bài thuốc truyền miệng. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị, đặc biệt với những trường hợp có bệnh lý nền.