Ở Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số trường hợp tử vong do dại tăng cao trong giai đoạn 1990 - 2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại với số kinh phí ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, bệnh còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong tập trung tại đây.
Nhân viên thú y huyện Đại Từ tuyên truyền cho người dân nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương, không thả rông chó, tiêm phòng dại cho chó, không để chó cắn người và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong công tác phòng chống bệnh dại khu vực ASEAN đã tích cực triển khai Nghị định của Chính phủ về việc phòng chống bệnh dại nhằm giảm thiểu tử vong do dại và hướng tới loại trừ bệnh dại vào năm 2020 được nêu trong “Chiến lược loại trừ bệnh dại ASEAN” do Việt Nam là đầu mối xây dựng. Chiến lược này đã được Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN phê duyệt vào năm 2014.
Nhờ những nỗ lực của ngành y tế, ngành thú y cũng như sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt kết quả nhất định. Cục thể: số tử vong do bệnh dại đã giảm xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, số tỉnh có ca bệnh dại không giảm và vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số tử vong cao do dại. Từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp tử vong xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đặc biệt, người dân không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, người dân phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; đồng thời đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Người dân tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại...
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại là do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn - nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại …