Bộ Y tế cho biết, hiện nay việc cấp phép đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được quy định cụ thể tại khoản 12 Điều 40 Nghị định số 96/2023 ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Nghị định, cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa: Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm: Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể); Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); Tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người.
Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Cũng theo Bộ Y tế, các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế chịu sự giám sát của Sở Y tế địa phương và được kiểm tra thường xuyên về chuyên môn cũng như nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lấy tên là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện gặp rất nhiều khó khăn, các cơ sở này thường xuyên thực hiện các hành vi quảng cáo trá hình, cung cấp các dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của khách hàng.
Bộ Y tế liên tục chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc xử lý vi phạm đối với người hành nghề và cơ sở y tế có vi phạm theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ làm đẹp trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật can thiệp thẩm mỹ mà chỉ các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép mới được làm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng có văn bản về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết đã nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn.
Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động “chui”, không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như "Thẩm mỹ viện", "Viện thẩm mỹ", "Trung tâm thẩm mỹ"… Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, xác minh trên địa phương thuộc Sở Y tế quản lý đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động "chui", gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.