Thời tiết hiện đang bắt đầu vào giai đoạn nắng nóng đầu tiên trong năm, nhiệt độ thay đổi đột ngột rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với người già, người mắc bệnh mãn tính.
TS.BS. Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh... Kinh nghiệm từ các đợt nắng nóng kéo dài các năm trước, người già nhập viện do đột quỵ, tim mạch rất đông.
Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể phải đổ mồ hôi nhiều dẫn tới mất nước, giảm khối lượng máu, thiếu hụt lượng máu nuôi não; thân nhiệt tăng gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, rối loạn tim mạch… đây là các yếu tố dễ gây đột quỵ não.
BS. Trần Viết Lực cũng khuyến cáo: Ngày nóng, người già, cần biết cách bảo vệ sức khỏe một cách khoa học để tránh các tai biến. Vào những ngày nhiệt độ chênh lệch nhiều về chiều hoặc đêm, người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh để bị sốc nhiệt. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao khoảng trên 35 độ C, cần điều chỉnh nhiệt độ trong nhà khoảng 26- 27 độ C là phù hợp, không để nhiệt độ thấp quá.
Với những người mắc bệnh mãn tính, người nhà cần nhắc nhở duy trì việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ để tránh các tai biến dễ phát sinh.
Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng; vì vậy, người già cần được bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc cho người thân trong gia đình, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch. Cụ thể, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện như: Vã mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch… thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê… Các trường hợp đều cần phải xử trí nhanh vì có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.