Nâng cao chuyên môn đi cùng giảm tải
Cuối giờ sáng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh, người dân ngồi chật kín sân phía trước khu vực khám bệnh. Tại khu vực có mái che dành cho người bệnh ngồi chờ, các hàng ghế đã chật kín, nhiều người bệnh phải vạ vật ngồi chờ ở các gốc cây, thậm chí kê dép ngồi xuống nền chờ tới lượt khám bệnh.
Sốt ruột chờ đợi, vợ chồng ông Nguyễn Như Kiều (ở Hà Tĩnh) ngồi tạm dưới gốc cây nghỉ. Vợ ông bị bệnh phù khớp vai, rỗng tủy, bị chèn đè vào dây thần kinh, tình trạng khá nặng nên điều trị ở tuyến tỉnh không chuyển biến, ông đưa vợ lên tuyến trên để khám và điều trị. Trong giấc ngủ chợp chờn vì đau và mệt mỏi, bà vẫn chau mày.
Ông Nguyễn Như Kiều mệt mỏi nói: “Vợ chồng tôi từ Hà Tĩnh ra tới bệnh viện là 5 giờ sáng, tưởng lấy được số sớm để có thể khám xong trong ngày; nhưng sắp hết buổi sáng mà vợ tôi mới xong phần khám, còn chụp cộng hưởng còn 70 số nữa mới tới lượt, chắc phải xếp hàng đến chiều, có thể phải chờ tới hôm sau”.
Cũng theo ông Kiều, bệnh nhân quá đông, bệnh viện quá tải cần có biện pháp phân luồng đón nhận bệnh nhân ngay từ đầu vào, tránh ùn tắc mới có thể hài lòng người bệnh. Đặc biệt, cơ sở vật chất của bệnh viện tuyến cuối cũng cần mở rộng hơn, nâng cấp hơn để phục vụ người bệnh mới đáp ứng lượng bệnh nhân đông như hiện nay.
Chờ đợi cả buổi sáng nhưng chưa tới lượt khám, chị N.T.H (ở Cao Bằng) vừa ngồi chờ vừa xoa xoa cánh tay đang bị đau. “Tôi đã từng được mổ tay tại bệnh viện do tai nạn, lần này tôi bị đau chuyển dần lên phía bàn tay và đến khám lại. Tôi từ Cao Bằng tới bệnh viện từ sáng sớm nhưng đến gần trưa vẫn chưa tới lượt”
Khi hỏi về việc nâng cấp các bệnh viện hạng đặc biệt, đa số bệnh nhân, người dân đều mong muốn, bên cạnh việc nâng cao chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, cần nâng cấp cả cơ sở vật chất, giảm tải bệnh viện, làm hài lòng người bệnh. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000 - 8.000 lượt người bệnh, cao điểm có thể lên đến hơn 8.000 lượt người bệnh/ngày. Với số lượng bệnh nhân quá lớn, bệnh viện cũng luôn trong tình trạng quá tải. Người bệnh đến khám chữa bệnh cũng luôn phải chờ đợi.
Với các bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai đang phải “gánh”công việc rất lớn; không chỉ cần thiết đầu tư chuyên sâu về chuyên môn mà phải nâng cấp cả về cơ sở vật chất, giảm tải bệnh viện…
Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đã đề xuất nâng cấp các bệnh viện hạng đặc biệt thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có 6 bệnh viện hạng đặc biệt là: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy; trừ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, 5 bệnh viện còn lại trực thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế.
Tận dụng thế mạnh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Các bác sĩ của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, không thua kém các nước. Điển hình như các kỹ thuật về ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán nha khoa, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ…
Sự phát triển về kỹ thuật y tế này không chỉ đáp ứng khám chữa bệnh cho người dân trong nước, mà còn thu hút nhiều Việt kiều về nước khám chữa bệnh.
Theo các chuyên gia, để xây dựng thành các bệnh viện có chất lượng ngang tầm các nước có nền y tế hiện đại, vấn đề này cũng cần được chú trọng trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tăng cao nhu cầu về khám chữa bệnh; việc đáp ứng tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay…
Hiện Việt Nam ước đạt 12,5 bác sĩ, 32 giường bệnh, 3,1 dược sĩ đại học và 15 điều dưỡng trên 10.000 dân. So với kế hoạch đề ra đến năm 2025, đây là con số chênh lệch rất lớn.
Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế quốc gia cần được đầu tư theo hướng mở rộng quy mô về giường bệnh và diện tích mặt bằng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cơ sở y tế cấp quốc gia.
Trong quy hoạch thời gian tới, đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương trên 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỷ đồng cho một giường bệnh, trong đó chi phí xây dựng là gần 2,2 tỷ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỷ đồng. Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…), chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên y tế, bệnh nhân.
Theo đó, các bệnh viện tuyến Trung ương cần phải được nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; trong đó cần chú trọng đầu tư hệ thống giường bệnh hồi sức tích cực: đầu tư nâng cấp cả các trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ… Bên cạnh đó, cần tăng quy mô đào tạo của các trường đại học y dược để đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực.