Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế ) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ sẽ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm các tai nạn thương tích ở trẻ. |
Tuỳ từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các tai nạn thương tích khác nhau như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, ngã, bỏng... Riêng đối với tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em với 3.500 trẻ tử vong mỗi năm ở độ tuổi từ 0 - 19 tuổi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích ở trẻ em. Những tai nạn thương tích của trẻ có thể xảy ra khi trẻ ở nhà, ở trường hay thậm chí ở khu những khu vui chơi. Khi trẻ ở nhà những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích thường là phòng bếp, phòng khách, nơi cất giữ thuốc, nhà kho và cáo ao hồ, nơi chứa nước xung quanh gần nhà.
Môi trường nơi vui chơi của trẻ cũng hết sức quan trọng như công viên, sân chơi. Hiện ở Việt Nam, không gian vui chơi dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn thiếu hoặc nếu có còn chưa thực sự an toàn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.
Để phòng chống tai nạn thương tích của trẻ, trong gia đình cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Dạy trẻ về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Gia đình hòa thuận, quan tâm chăm sóc lẫn nhau cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển hài hòa, phòng chống được các thương tích do bạo lực và tự tử ở trẻ lớn.