LHQ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Ebola - Dấu hiệu dịch lan mạnh tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 31/7, điều phối viên ứng phó khẩn cấp Ebola của Liên hợp quốc David Gressley và Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách ứng phó khẩn cấp, Ibrahima Soce Fall đã ra tuyên bố chung khẳng định những nỗ lực mạnh mẽ của LHQ nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan dịch bệnh Ebola.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhân nhiễm visrus Ebola được điều trị tại trung tâm cách ly ở Bunia, CHDC Congo ngày 7/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quan chức của LHQ cho biết hoạt động giám sát được tăng cường tại tất cả các điểm ra vào khu vực xảy ra dịch bệnh đồng thời nhấn mạnh cần thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh Ebola, trong đó một hệ thống y tế vững mạnh là điều cần thiết ngay lúc này. Hiện giới chức y tế tại điểm nóng của dịch bệnh Ebola là CHDC Congo cho biết đang triển khai các biện pháp cần thiết để tăng cường giám sát tại những điểm được cho là dễ phát tán bệnh dịch, trong bối cảnh lo ngại virus có thể lan sang các nước láng giềng.

Cũng trong ngày 31/7, giới chức địa phương xác nhận ca thứ 3 nhiễm Ebola tại thành phố Goma, một trung tâm thương mại lớn miền Đông CHDC Congo, giáp biên giới với Rwanda. Ca nhiễm bệnh thứ 3 này là bé gái một tuổi, con của người đàn ông bị xác định tử vong vì nhiễm Ebola trước đó một ngày. Việc xác nhận ca nhiễm bệnh mới cho thấy dịch bệnh đang lan nhanh tại thành phố có 2 triệu dân và là nơi tập trung nhiều tuyến giao thông kết nối với nhiều vùng ở Đông Phi này. Ca tử vong vì Ebola đầu tiên tại Goma được phát hiện hôm 16/7. Một ngày sau đó, WHO công bố dịch Ebola tại CHDC Congo là "tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng". Các quan chức cấp cao của LHQ cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy trường hợp tử vong thứ hai do Ebola ở Goma có liên quan đến trường hợp tử vong đầu tiên.

Trong khi đó, giới chức ở tỉnh Nam Kivu cho biết đã cách ly 15 người vì lo ngại nhiễm virus Ebola. Những người bị cách ly bao gồm một bà mẹ và 6 đứa con đến từ Goma, cùng với những người thân trong gia đình đã tiếp xúc với họ. Các chuyên gia y tế của CHDC Congo và WHO đã tới đánh giá và sẽ quay trở lại trong ngày 1/8 với các thiết bị cần thiết để kiểm soát tình hình.

Đợt bùng phát dịch Ebola mới nhất tại CHDC Congo đã kéo dài gần một năm, khiến 1.790 người thiệt mạng. Ngày 26/7, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tuyên bố trong 6 tháng tới, cơ quan này sẽ tăng quy mô hỗ trợ và tăng gấp đôi số thực phẩm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đề phòng đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. WFP sẽ hỗ trợ khoảng 440.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola ở CHDC Congo, bao gồm bệnh nhân và gia đình của họ cũng như những trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh.

Trong năm 2018, tại CHDC Congo có hơn 2.600 trường hợp được xác nhận mắc bệnh Ebola, trong đó có hơn 1.800 trường hợp tử vong ở tỉnh Ituri và Bắc Kivu. Gần một phần ba số trường hợp mắc bệnh là trẻ em. Hiện tỉnh Bắc Kivu cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Ebola.

Hữu Thanh- Lê Ánh (TTXVN)
WHO tuyên bố dịch Ebola là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu
WHO tuyên bố dịch Ebola là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/7 đã công bố dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN