Theo Sở Y tế Lâm Đồng, hiện tại, một số gói thầu cung ứng thuốc của các đơn vị y tế trên địa bàn đã hết hiệu lực hoặc gần hết hiệu lực, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế. Cụ thể như gói thầu cung ứng thuốc và dược liệu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022-2023, đã hết hạn hợp đồng vào tháng 12/2023; gói thầu cung ứng thuốc của Bệnh viện II Lâm Đồng hết hạn hợp đồng vào tháng 5/2024; gói thầu cung ứng thuốc của Trung tâm Y tế huyện Di Linh hết hạn hợp đồng vào tháng 6/2024 và nhiều gói thầu khác trong tình trạng tương tự.
Đáng chú ý, thời gian qua, một số mặt hàng thuốc không có nhà thầu tham dự sau nhiều lần tổ chức đấu thầu như: Azithromycin (gói); Cefaclor (Gói/Viên); Insulin người trộn, hỗn hợp tỷ lệ 30/70 (Bút tiêm); Fentanyl 0.1mg/2ml; Atropin (nhỏ mắt); Salbutamol (Viên),… và nhiều thuốc khác.
Thực trạng trên đã dẫn đến tại một số thời điểm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh. Thay vào đó, các cơ sở đã chuyển sang sử dụng thuốc, vật tư y tế khác sẵn có tại đơn vị. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, đơn vị không có thuốc, vật tư khác để thay thế, trong khi không thể chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám bệnh khác, dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải tự mua ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, ban hành mẫu hồ sơ lựa chọn nhà thầu đối với thuốc. Đối với vật tư y tế, Sở kiến nghị Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn phân nhóm thiết bị y tế về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, để đảm bảo chất lượng vật tư y tế sử dụng cho bệnh nhân tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt nên có hướng dẫn cụ thể đối với các vật tư y tế yêu cầu kỹ thuật cao; đồng thời đề xuất Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội có cơ chế thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua ngoài trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế.