Khám điều trị cho người đau mắt đỏ tại khoa Khám - Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa; kiểm tra và giám sát việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống mù lòa ở cấp Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng đề nghị củng cố Ban Chỉ đạo các địa phương, tăng cường vai trò của chính quyền các cấp trong Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí và bảo đảm các nguồn lực để thực hiện chiến lược phòng chống mù lòa.
Báo cáo về hoạt động phòng chống mù lòa giai đoạn 2016-2017, TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong năm 2016, Bệnh viện đã cùng với Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức từ thiện trong nước mổ đục thủy tinh thể miễn phí trên xe ô tô lưu động 1.000 ca ở 11 tỉnh; hỗ trợ đào tạo 1.500 cán bộ y tế xã, huyện về chăm sóc mắt ban đầu ở 31 huyện.
Là đơn vị chuyên khoa đầu ngành mắt, Bệnh viện đã chuyển giao 9 gói kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật ghép giác mạc, màng ối cho Bệnh viện mắt Nam Định, Bãi Cháy, Bình Định, Thanh Hóa; kỹ thuật cắt dịch kính cho Bệnh viện Trung ương Huế; kỹ thuật tạo hình hốc mắt, mi mắt cho Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình; chuyển giao kỹ thuật phaco cho 9 đơn vị; chuyển giao kỹ thuật khám và điều trị tật khúc xạ cho 3 đơn vị tại Hà Giang, Sơn La, Hà Nam…
Năm 2017, Bệnh viện Mắt Trung ương dự kiến hỗ trợ chuyển giao 13 kỹ thuật cho 23 đơn vị trong đó bao gồm cắt dịch kính, phẫu thuật lác, phẫu thuật tạo hình hốc mắt, mi mắt; laser điều trị bệnh lý võng mạc, ROP…
Hiện cả nước chỉ có khoảng 2.000 bác sỹ chuyên khoa mắt và hơn 2.000 điều dưỡng chuyên khoa mắt. Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu khám, chữa bệnh về mắt của người dân. Nhân lực thiếu và yếu, trang thiết bị khó khăn đang là thách thức đối với công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam.
Trước đó, theo Quyết định số 2560/QĐ-BYT ngày 31/12/2006, Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa); giảm các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được; giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù quyền được nhìn như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.
Đến năm 2020 giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%.
Đến năm 2030, tỷ lệ mù lòa giảm xuống dưới 4,0 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%...
Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược sẽ thực hiện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng của mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện chính sách phòng chống mù lòa; kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa; củng cố và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật).