Người dân đổ bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi sinh sản. Ảnh tư liệu: Nhựt An/TTXVN
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 1.972 ca sốt xuất huyết, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, 17 xã, phường trong tỉnh ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng báo dịch, cho thấy nguy cơ lây lan vẫn ở mức cao. Tỉnh cũng ghi nhận 2.720 ca bệnh tay chân miệng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh đã phát hiện và xử lý 874 ổ dịch sốt xuất huyết; 83 ổ dịch tay chân miệng.
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp và các địa phương trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống như: tổ chức diệt lăng quăng (bọ gậy) tại 2.753 hộ ở 51 xã; phun hóa chất diệt muỗi tại 2.423 hộ ở 47 xã; tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống dịch; giám sát, xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết; giám sát ca bệnh qua hệ thống Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế...
Trước diễn biến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường phòng, chống dịch, đặc biệt tại trường học và khu dân cư đông đúc. Cùng với đó là tập trung phát hiện sớm ca bệnh và ổ dịch tại các khu vực nguy cơ cao, đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh, hướng dẫn người dân diệt muỗi, vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Ngành Y tế tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo, sốt xuất huyết cũng có những triệu chứng giống bệnh cảm cúm thông thường khác như sốt, nhức đầu, đau cơ, mỏi khớp... Khi bệnh có dấu hiệu nặng như: nôn ói, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu răng, đặc biệt là tay chân lạnh... người bệnh mới nhập viện sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. Nếu sốt từ 2-3 ngày trở lên và có dấu hiệu trở nặng, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để khám, xét nghiệm và điều trị bệnh.
Người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với người bệnh tay chân miệng; vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường; tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, đau họng, loét miệng, phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, người lớn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.