Khám chữa bệnh từ xa góp phần tìm giải pháp tối ưu cho người bệnh

Với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Đề án Khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với 2 mục tiêu căn bản là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.

Theo Bộ Y tế, trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin, triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban chỉ đạo Quốc gia đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các giải pháp tối ưu cho người bệnh. Hiện nay, có rất nhiều hình thức khám chữa bệnh từ xa: Khám hội chẩn giữa hai bệnh viện, khám bệnh giữa bệnh viện tuyến dưới - tuyến trên, khám bệnh tại nhà bằng các công cụ… , cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.

Việc hội chẩn trực tuyến trên nền tảng công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh COVID-19. Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19.

Trong dịch COVID-19, việc ứng dụng các công nghệ để thực hiện khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám chữa bệnh cho tuyến dưới đã tạo mạng lưới y tế không giới hạn các tuyến. Các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cơ sở y tế tuyến dưới hội chẩn, khám chữa bệnh. Nhiều ca bệnh khó, trình trạng bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc khám chữa bệnh từ xa đã giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc áp dụng khám chữa bệnh từ xã giúp người dân giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế, các chi phí khác... Đồng thời phát triển được mạng lưới liên thông của hệ thống bệnh viện từ Trung ương tới địa phương trong việc chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.  

Tại nhiều địa phương trong cả nước, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa luôn được ngành y tế cơ sở chú trọng triển khai, góp phần phát huy hiệu quả công tác chăm lo cho sức khỏe của người dân trên địa bàn.  

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đều được trang bị hệ thống phục vụ triển khai hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Việc kết nối, triển khai khám chữa bệnh từ xa đồng loạt trong các cơ sở y tế ở Lâm Đồng đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo trực tuyến cho nhiều thầy thuốc; đồng thời tăng cường tiếp cận và thụ hưởng các kỹ thuật cao, chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành cho người dân, từ đó giảm tối đa chi phí cho người bệnh khi không phải chuyển tuyến đi xa, giảm tải áp lực cho tuyến trên.

Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện đánh giá, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa như một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát. "Trong tình hình dịch COVID-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn duy trì được các lớp học trực tuyến, đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh; đảm bảo cân bằng lượng bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên – tuyến dưới".

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong phiên thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu khẳng định, mô hình khám chữa bệnh từ xa đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương, giúp người dân yên tâm điều trị, nhất là người bệnh ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn.
 
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết: "Đối tượng khám bệnh từ xa không chỉ là những người bệnh không di chuyển đến bệnh viện được mà là tất cả các người bệnh có yêu cầu, với nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, các cơ sở phải có hệ thống trang thiết bị để đảm bảo khám chữa bệnh từ xa đạt được kết quả cao nhất".

TTXVN/Báo Tin tức
Nhiều ca bệnh nặng được xử trí kịp thời nhờ khám chữa bệnh từ xa
Nhiều ca bệnh nặng được xử trí kịp thời nhờ khám chữa bệnh từ xa

Thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa - telehealth, nhiều ca bệnh nặng đã được cứu sống nhờ các chuyên gia ở các bệnh viện Tuyến Trung ương tư vấn, hỗ trợ xử trí, hội chẩn. Thậm chí, không ít ca bệnh tuyến dưới được kết nối hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị bởi chuyên gia hàng đầu thế giới...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN