Hàng trăm ca bệnh ung bướu được hỗ trợ điều trị qua telehealth
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bắt đầu từ tháng 8/2020 - trong giai đoạn cam go của dịch COVID-19, Bệnh viện K triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trong 2 năm qua, Bệnh viện K đã kết nối khám chữa bệnh từ xa với 64 điểm cầu, là các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên cả nước. Bệnh viện triển khai hội chẩn khám chữa bệnh từ xa vào chiều các ngày thứ 6 hàng tuần.
Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện kết nối hội chẩn từ xa hàng trăm trường hợp bệnh nhân, trong đó có những ca mà tuyến dưới gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán xác định giai đoạn ung thư. Nhờ telehealth, các bác sỹ tuyến trên có thể trao đổi về hình ảnh giải phẫu bệnh, chẩn doán hình ảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân và khả năng điều trị của bệnh viện tuyến dưới.
"Chúng tôi cùng trao đổi, thống nhất đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với giai đoạn, điều kiện thực tế để có thể tiến hành điều trị ung thư ngay tại đó. Trong điều kiện khó, cần hội chẩn chuyên gia, Ban Giám đốc bệnh viện cũng vào cuộc và chọn những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành để cùng tham gia hội chẩn…", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Bình nói.
Trong cuộc hội chẩn trực tuyến của Lãnh đạo Bệnh viện K cách đây không lâu về 4 ca bệnh khó, gồm một bệnh nhân chẩn đoán ung thư vòm/ung thư vú tái phát tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn; một bệnh nhân chẩn đoán ung thư đại tràng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang.
Đánh giá ca bệnh đang mắc ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nghĩ nhiều đến ung thư vòm, do bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng, từ ù tai, ngạt mũi. Mô bệnh học, hạch cổ góc hàm… đều là những triệu chứng của ung thư vòm. Đặc biệt, qua xem hình ảnh phim chụp cho thấy bệnh nhân có xuất hiện nốt trên phổi.
Sau khi thảo luận, các bác sỹ kết luận cần sinh thiết kim để tìm cho được những nốt ở phổi là ung thư nguyên phát hay thứ phát, nếu di căn của ung thư vú hoặc vòm, vì liên quan trực tiếp đến chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Việc hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó như trên được thực hiện thường quy tại bệnh viện K.
Phát triển đồng bộ ngành y tế
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Bình, Bệnh viện K là tuyến cuối trong điều trị ung bướu, do đó việc cập nhật các phác đồ điều trị cũng như các thông tin mới của các viện nghiên cứu của Châu Âu hay Nhật Bản… liên tục được diễn ra. Vì thế, các thầy thuốc của bệnh viện thường xuyên được cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị ung thư.
Nền tảng khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K không chỉ thực hiện hội chẩn các ca bệnh khó, mà còn chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, thực hiện truyền hình trực tuyến ca phẫu thuật từ phòng mổ do các chuyên gia đầu ngành thực hiện để các bác sĩ có thể học hỏi chuyên môn.
Trên tinh thần trách nhiệm hướng đến mục tiêu kiểm soát ung thư, tất cả các chuyên ngành của Bệnh viện K đều tiến hành khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa cho các cơ sở y tế tuyến dưới theo từng chủ đề cụ thể. Mỗi ê kíp chuyên gia gồm ít nhất 5 chuyên ngành từ điểm cầu Bệnh viện K tham gia khám chữa bệnh, hội chẩn cho tuyến dưới.
Trong quá trình triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện K thường xuyên gắn kết việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến hàng tuần qua kênh youtube, fanpage của bệnh viện cho người bệnh, người nhà người bệnh, người dân về các phương pháp điều trị, dự phòng, khám tầm soát các bệnh ung thư… thu hút hàng triệu lượt người dân theo dõi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Bình, ý nghĩa lớn nhất của khám chữa bệnh từ xa chính là giúp cho ngành y tế cùng phát triển đồng bộ, dần xóa nhòa khoảng cách về ranh giới chuyên môn của các tuyến.