Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2017- 2021, tỉ lệ tử vong do bệnh dại giảm 15% so với giai đoạn 2012- 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm như: Bình Thuận, Nghệ An, Điện Biên… Bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tại buổi mít tinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh dại; đồng thời đề nghị các ngành, địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia phòng, chống bệnh dại từ sớm, từ xa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận ghi nhận 9 ca tử vong vì bệnh dại, là địa phương có số ca tử vong nhiều nhất cả nước. Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại nhưng số tử vong vẫn ở mức cao. Nguyên nhân cơ bản do số lượng chó, mèo nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều, việc quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó còn thấp. Các trường hợp tử vong hầu hết không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó, mèo dại cắn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân sau khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại mà chữa bệnh theo phương pháp dân gian.
Dịp này, nhiều hoạt động diễn ra như: Cuộc thi tìm hiểu về bệnh dại; tiêm vaccine dại miễn phí cho chó, mèo; tư vấn và truyền thông về các phương pháp phòng, chống bệnh dại trên người; diễu hành trên đường phố…
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Bệnh lây truyền từ động vật (chủ yếu là từ chó và mèo) sang người. Mặc dù nền y học hiện đại đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại, nhưng đến nay, bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên toàn cầu có 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vaccine.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại là cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng, chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe” và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này.