Theo kết quả giám sát dịch tễ, vào đầu tháng 8/2024, chị B. bị chó ở nhà nuôi cắn vào ngón tay khi cho ăn, có vết trầy xước, không chảy máu. Tuy nhiên, chị không có biện pháp xử lý vết thương và không tiêm vaccine phòng bệnh dại mà lại đi gặp "thầy lang" mua thuốc nam về uống.
Đến ngày 26/9, chị B. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh và sốt xuất hiện. Ngày 28/9, người nhà đưa chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại. Bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Qua điều tra xác minh, tại nhà chị B. cũng có hai người bị chó cắn; cả hai đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị cắn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, Trung tâm đã phối hợp Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam tiến hành giám sát ca dại và người nhà bệnh nhân; tuyên truyền vận động người nhà bị chó cắn phải đi tiêm phòng; tư vấn điều trị dự phòng với những người tiếp xúc có vết thương hở; đồng thời triển khai các biện pháp như thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, hướng dẫn người dân về cách xử lý khi bị động vật cắn và tầm quan trọng của việc tiêm phòng…
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong khi ngành Y tế nỗ lực với các ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan về sự nguy hiểm cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Điều đó thể hiện phần lớn số ca tử vong này đều không tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Một số trường hợp chủ quan khi bị chó nhà cắn hoặc dùng thuốc gia truyền, thuốc nam điều trị...
Ngành Y tế Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại cho người dân. Đồng thời, ngành Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường và kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Người dân tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ "thầy lang" chữa trị.
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; nuôi chó phải nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm cho chó. Người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.