Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã triển khai tiêm phòng được hơn 70.000 liều vaccine, còn khoảng 120.000 liều vaccine còn hiệu lực. Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó, mèo đạt rất thấp, mới chỉ đạt khoảng hơn 30%.
Ông Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, qua điều tra dịch tễ các ổ bệnh chó dại trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng thống kê có hơn 40 người đã bị chó, mèo cắn, cào nhưng trong số này có hơn 10 người chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, không tiêm huyết thanh kháng dại. Nhiều người dân cho rằng, bị chó, mèo cắn, cào vết thương rất nhỏ, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, từ những vết thương nhỏ đó, virus dại sẽ xâm nhập vào cơ thể khiến người bị nhiễm bệnh, lên cơn dại và tử vong.
Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận trường hợp một người phụ nữ tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân do chủ quan, không tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn. Cụ thể, gia đình người này nuôi nhốt chó trong cũi, trong quá trình chăm sóc, cho ăn, vô tình bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine, huyết thanh. Sau đó con chó này tử vong, gia đình đã làm thịt và chế biến thực phẩm.
Sau đó khoảng một tháng, người bị chó cắn bắt đầu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chán ăn, bần thần, dễ kích động. Sau khi nhập viện điều trị, bệnh nhân bị rối loạn tri giác, nhiễm trùng, sợ gió, sùi bọt mép, ngưng tim, ngưng thở và tử vong sau đó.
Ông Trần Minh Hòa nhấn mạnh, cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại sẽ tử vong. Do vậy, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng, người dân nên chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cắn, cào.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai nhận định, qua điều tra dịch tễ tại những địa phương có các ổ bệnh chó dại, lực lượng chức năng nhận thấy tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở những khu vực này rất cao. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa cao nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch bệnh dại mới rất lớn.
Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát và lan rộng, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện những giải pháp chủ động phòng, chống; trong đó, xây dựng vùng an toàn được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể thanh toán dứt điểm bệnh dại.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, hiện tại Chi cục và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang phối hợp rất nhịp nhàng trong việc xây dựng quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời để cùng thực hiện điều tra, giám sát khi phát hiện các ổ bệnh.
Song song đó, địa phương đang tăng cường tuyên truyền để người dân nắm và hiểu khi nuôi chó, mèo là phải nuôi nhốt, nếu thả ra các nơi công cộng thì phải có xích, rọ mõm cẩn thận, đặc biệt là phải tiêm phòng cho chó mèo, đây là hoạt động chuẩn mực trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ bệnh dại trên động vật ở thể điên cuồng khoảng 25% (tức là ở những con chó, mèo bị bệnh dại điên cuồng phát hiện được), còn 75% số động vật còn lại có bệnh nhưng không phát hiện được. Do đó, hiện nay mầm bệnh dại trong quần thể rất lớn. Bệnh dại là bệnh lây một cách âm thầm, khi con vật bị bệnh có khả năng nó đã truyền bệnh cho những con vật khác và những mầm bệnh này được mang đi khá xa. Điều này cho thấy nguy hiểm ở mức độ tiềm tàng, nguy cơ bệnh dại trong tỉnh là rất trầm trọng.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là nâng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo, xây dựng vùng an toàn, phòng chống bệnh dại và thanh toán dứt điểm bệnh dại. Dự kiến, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết để hỗ trợ vaccine dại để tiêm đồng loạt cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Dự kiến sẽ tiêm trong vòng 5 năm sẽ khống chế được bệnh dại.