Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong thời gian qua, Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Việt Nam cũng luôn cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị về COVID-19 trên thế giới.
Theo các thành viên Hội đồng chuyên môn, việc cập nhật hướng dẫn chẩn đoán điều trị là cần thiết để đáp ứng tình hình điều trị và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị hiện nay như thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống, thuốc kháng virus, thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng, liệu pháp nằm sấp... Trong đó có thuốc Remdesivir. Đây là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ, chỉ định điều trị COVID-19, cho bệnh nhân COVID nặng, thở máy/ECMO…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị, trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, các địa phương cũng phải phát huy tính chủ động, biện pháp nào điều trị tốt cho bệnh nhân cần phát huy nhằm giảm tử vong, giảm bệnh nhân chuyển nặng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc chuẩn bị sẵn 40% giường bệnh; huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế tất cả các chuyên ngành tham gia chống dịch, kể cả bác sỹ thẩm mỹ, răng hàm mặt…
Liên quan đến thuốc Remdesivir, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 700 điểm cầu diễn ra ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngay khi thuốc về Việt Nam sẽ dùng luôn để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, kể cả bệnh nhân trung bình.
Ngoài ra, sắp tới Việt Nam sẽ nhập thêm một số thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận, hàng đầu thế giới.