Kể từ đầu những năm 1980, AIDS đã cướp đi sinh mạng của 35,4 triệu người. Châu Phi vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của HIV/AIDS, tập trung ở 5 quốc gia Swaziland, Lesotho, Botswana, Nam Phi và Namibia. Trong đó, Swaziland có 27,2% dân số nhiễm virus HIV, còn Nam Phi là nước có số người nhiễm HIV lớn nhất thế giới với 7,2 triệu người và 110.000 ca tử vong liên quan đến AIDS.
Mặc dù đã có những tiến triển vượt bậc trong việc điều trị căn bệnh này, song theo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS), cuộc chiến nhằm xóa bỏ HIV/AIDS trên toàn cầu còn nhiều gian nan. Năm 2017, vẫn có tới 940.000 ca tử vong do căn bệnh này. Thế giới vẫn có 36,9 triệu người nhiễm HIV, trong đó 1,8 triệu là trẻ em dưới 15 tuổi và 1,8 triệu người bị nhiễm mới. Tình trạng này khiến HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề y tế công cộng lớn của toàn cầu.
Theo số liệu của UNAIDS, hiện cứ 5 người nhiễm HIV thì có 3 người được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus. Hơn 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị liệu pháp kháng retrovirus (ART) suốt đời. Nhận thức đã được nâng lên, những người nhiễm HIV đã chủ động hơn trong việc xét nghiệm và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, năm 2017, khoảng 9,4 triệu người trên toàn thế giới không biết rằng họ nhiễm một căn bệnh có khả năng gây tử vong nhưng có thể được điều trị. Điều này được xem là rào cản đối với nỗ lực thực hiện một trong những mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc thông qua tháng 9/2015: xóa sổ dịch AIDS trên toàn cầu vào năm 2030. Đó là lý do LHQ chọn “Hãy biết về tình trạng nhiễm của mình” làm thông điệp trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay.
Điều mà thông điệp muốn chuyển tải, là khuyến khích nhiều người nhiễm HIV muốn biết tình trạng của họ, khuyến khích những người nhiễm HIV cùng và bạn bè và gia đình họ hiểu rằng người nhiễm HIV có thể sống lâu, khỏe mạnh, có con và không phải lo lắng về việc truyền bệnh cho người khác. Sự rõ ràng của thông điệp sẽ giúp thúc đẩy các lợi ích không thể phủ nhận của điều trị dễ dàng hơn, khuyến khích thêm người nhiễm HIV đi xét nghiệm, tiếp nhận điều trị, đưa cộng đồng nhiễm HIV tiến gần hơn tới việc đạt được một thế giới không có AIDS và loại bỏ sự kỳ thị bất công và lạc hậu vẫn còn tồn tại tại nhiều nơi hiện nay.
Khẩu hiệu “Biết tình trạng của mình” càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đến nay, các nhà khoa học đã có đủ bằng chứng để có thể khẳng định virus HIV sẽ không lây truyền nếu lượng virus thấp ở mức không phát hiện được. “Không phát hiện bằng không lây nhiễm” - đây sẽ là một lời kêu gọi thức tỉnh đối với những người nhiễm HIV bởi nó mở ra các lựa chọn xã hội, tình dục và sinh con – từ đó xóa bỏ tâm lý mặc cảm của những người nhiễm. Biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân giúp mọi người bắt đầu hay tiếp tục điều trị để bảo vệ sức khỏe cho người bạn đời. Thông điệp này có một ý nghĩa khác: điều trị tức là phòng ngừa, một người nhiễm HIV tuân thủ việc điều trị bệnh sẽ giúp bảo vệ cho những người thân của họ.
“Biết tình trạng của mình” còn là một cơ hội để những người nhiễm HIV thay đổi cách nhìn nhận về bản thân, để biết rằng HIV không còn là “án tử” mà chỉ là một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được bằng cách tăng cường các cuộc xét nghiệm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị.
Thông điệp này còn tạo điều kiện cho việc xây dựng một cộng đồng không có ranh giới giữa những người nhiễm HIV và những người không nhiễm HIV - một cộng đồng nơi cuộc sống của tất cả mọi người đều có giá trị. Nó giúp nâng cao nhận thức của công chúng, giúp xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV, thay đổi cách ứng xử của gia đình, bạn bè người thân hay thậm chí cả xã hội đối với họ. Thái độ kỳ thị gây trở ngại lớn cho việc những người nhiễm HIV nhận thức về tình trạng của mình và cũng tước đi cơ hội được chữa trị của họ. Theo một thống kê của UNAIDS, tỷ lệ trì hoãn việc điều trị ở những người nhiễm HIV bị kỳ thị cao hơn 2,4 lần so với những người không bị kỳ thị. 20% số người nhiễm HIV tránh đến các cơ sở y tế do sợ bị kỳ thị và thậm chí đến khi ốm nặng mới điều trị.
Thế giới không còn nhiều thời gian để đạt mục tiêu tham vọng 90 - 90 - 90 vào năm 2020, là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đây được coi là mục tiêu tiền đề ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mọi hành động cần bắt đầu từ nhận thức, do đó, biết về tình trạng nhiễm của bản thân để thay đổi nhận thức của chính mình và của cộng đồng sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa hướng đến một tương lai an toàn khi nạn HIV/AIDS được xóa sổ.