Đây là cảnh báo được KDCA đưa ra lần đầu tiên sau 3 năm (kể từ năm 2019) trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và cũng sớm hơn so với mọi năm (thường vào tháng 11 và tháng 12).
Số liệu thống kê của KDCA cho thấy từ ngày 4-10/9 vừa qua, tỷ lệ các ca có triệu chứng nghi nhiễm cúm mùa là 5,1 ca trên 1.000 người, vượt ngưỡng bùng phát dịch là 4,9 ca. Trước nguy cơ bùng phát đồng thời cả dịch COVID-19 và cúm mùa, KDCA đã tăng cường ứng phó bằng cách siết chặt tiêu chuẩn tỷ lệ ca bệnh có triệu chứng nghi nhiễm cúm mùa là 4,9 ca/1.000 người thay cho mức 5,8 ca/1.000 người vào thời điểm bùng dịch trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cúm mùa ở Hàn Quốc hiện là 1,4%, vẫn thấp hơn so với các virus đường hô hấp khác như virus hợp bào hô hấp gây viêm phổi (20,9%), bocavirus gây cảm lạnh ở người (7%).
Theo cảnh báo của KDCA, nhóm nguy cơ cao như trẻ em dưới 9 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh trên 2 tuần tuổi), phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch sẽ được kê thuốc kháng virus mà không cần làm xét nghiệm. KDCA cũng đề nghị tăng cường quản lý phòng chống dịch cúm tại các cơ sở như trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh, trường học, cơ sở điều dưỡng... trong thời gian dịch lây lan. Giám đốc KDCA Peck Kyong-ran nhận định số ca mắc cúm mùa ở Hàn Quốc tăng gần đây là do chính phủ nước này đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giãn cách xã hội và tỷ lệ miễn dịch tự nhiên với cúm mùa trong cộng đồng giảm do dịch bệnh không bùng phát trong vòng 2 năm qua. Như vậy, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ bùng phát dịch cúm mùa ngay trong năm nay.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm phòng cúm mùa cho trẻ trên 6 tháng tuổi tới dưới 9 tuổi từ ngày 21/9 tới. Từ nay cho tới ngày 30/4/2023, Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ tiêm phòng cúm mùa cho trẻ em dưới 13 tuổi, phụ nữ mang thai và người trên 65 tuổi. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ áp dụng chi trả trợ cấp chăm sóc y tế từ tháng 10 (sớm hơn 1 tháng so với năm 2021) cho các ca mắc cúm mùa là người thuộc nhóm rủi ro cao, nhằm đảm bảo nhanh chóng kê thuốc kháng virus cho người bệnh.