Hải Phòng khởi động chiến dịch 'Không phát hiện = Không lây truyền'

Chiều 13/12, Sở Y tế Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam khởi động chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ khởi động. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại lễ phát động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam trải qua gần 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS và đã triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Một trong những thành quả đáng ghi nhận của Việt Nam đó là chất lượng điều trị HIV/AIDS. Chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng điều trị HIV/AIDS đó là tải lượng virus HIV trong máu với 2 ngưỡng là nhỏ hơn 1.000 copy/ml được coi là ngưỡng "ức chế"; nhỏ hơn 200 copy/ml máu được coi là ngưỡng "không phát hiện".

Bằng chứng khoa học trên thế giới gần đây đã chứng minh, những người nhiễm HIV có tải lượng virus HIV trong máu dưới ngưỡng không phát hiện thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục, gọi tắt là K= K. Tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế lên đến 95% và dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%. Điều này có nghĩa là 92% trong số 140.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV hiện nay ở Việt Nam không có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục. Việt Nam là một trong các nước đạt tỉ lệ này cao nhất thế giới.

Để duy trì và nâng cao thành quả trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh đề nghị những người có hành vi nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn làm xét nghiệm hoặc xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có nhiễm HIV không. Nếu phát hiện bị nhiễm HIV, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được điều trị ARV. Tuân thủ điều trị ARV theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Hãy hỗ trợ, giúp đỡ để người nhiễm HIV, người có hành vi lây nhiễm HIV tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIVcần tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình. Hiện nay, HIV/AIDS chưa có thuốc điều trị khỏi, nhưng với tiến bộ khoa học, HIV/AIDS không còn đáng sợ như trước. Nếu tải lượng virus dưới mức 200 copy/ml máu được coi là ngưỡng không phát hiện và không có khả năng lây truyền sang người khác.

Theo bà Dong Phuong Nguyen, cố vấn Chương trình Nâng cao năng lực hệ thống, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, đến thời điểm này, hơn 944 tổ chức của 99 nước công nhận và ủng hộ kết quả K= K trong quốc gia và cộng đồng của họ. K= K có nghĩa là sự kỳ thị về HIV cần được xóa bỏ. Việt Nam là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc phát hành hướng dẫn quốc gia về thực hiện K= K từ tháng 9/2019.

Tiến sĩ Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có 5.858 ca nhiễm HIV, trong đó đã có 3.991 ca được điều trị ARV tại 16 cơ sở, chiếm 84%. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ này đạt 90%. Hải Phòng đã tổ chức đấu thầu mua thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế và hướng dẫn các cơ sở điều trị lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý sử dụng thuốc, hỗ trợ đồng chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên triển khai chương trình nhận thuốc ARV từ quỹ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bệnh được tiếp cận, điều trị hiệu quả.

Tiến sĩ Phạm Thu Xanh cũng cho biết, K= K là một phần trong các mục tiêu hướng tới sự tham gia của cộng đồng. Hải Phòng xác định giải quyết vấn đề kỳ thị cùng với xét nghiệm HIV sớm, mở rộng điều trị ARV là yếu tố then chốt giúp Hải Phòng sớm kết thúc dịch AIDS. Hải Phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích là người sống chung với HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, nam bán dâm, tăng cường phổ biến thông điệp K= K, tập huấn và truyền thông toàn diện về tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng virus trong các quần thể đích, khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người có HIV để ngăn chặn sự lây truyền HIV.

Minh Thu (TTXVN)
Giải pháp bền vững cho người bệnh nhiễm HIV
Giải pháp bền vững cho người bệnh nhiễm HIV

Nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV cho người bệnh HIV. Để ứng phó Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV sang chi trả qua bảo hiểm y tế (BHYT). PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có trao đổi về những kết quả, việc triển khai BHYT cho người bệnh HIV/AIDS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN