Giải pháp bền vững cho người bệnh nhiễm HIV

Nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV cho người bệnh HIV. Để ứng phó Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV sang chi trả qua bảo hiểm y tế (BHYT). PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có trao đổi về những kết quả, việc triển khai BHYT cho người bệnh HIV/AIDS.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết tình hình triển khai và kết quả của điều trị bằng thuốc ARV qua BHYT thời gian qua như thế nào?

Thời gian qua, thực hiện Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV được mua tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho điều trị HIV/AIDS.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, đã có Thông tư 28 và Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện nhằm đảm bảo thống nhất việc thanh toán sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đã có hướng dẫn về lập kế hoạch, đôn đốc quyết toán sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT của các cơ sở điều trị HIV/AIDS.

Hiện tỷ lệ mở rộng bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV ngày càng tăng lên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng từ 30% (2015) đến nay là trên 90%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT như: Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau... Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước đã có 51 tỉnh thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%, hơn 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 188 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Nhờ đó, chất lượng điều trị luôn được bảo đảm và ngày càng nâng cao.

Đến nay, trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV, Việt Nam đã chuyển đổi thành công trên 42.000 bệnh nhân sang sử dụng thuốc ARV do BHYT chi trả chỉ trong có 6 tháng (từ tháng 3 - 9/2019). Đây là thành công mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Việc chuyển đổi sang BHYT sẽ theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để đảm bảo rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục.

Việc chuyển đổi đưa thuốc ARV sang chi trả bằng BHYT còn khó khăn gì, thưa Cục trưởng?

Tuy tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng thuốc ARV do BHYT chi trả đang tăng lên nhưng hiện vẫn còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là TP. Hồ Chí Minh (80%). Đặc biệt, việc tiếp cận 10% còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên người bệnh không muốn dùng BHYT.

Bên cạnh đó, các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh lại không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh hiện vẫn còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú để được đăng ký thẻ BHYT. Đặc biệt là trường hợp nhiều bệnh nhân bị mất giấy tờ tùy thân gặp khó khăn trong việc cấp thẻ.

Chú thích ảnh
Người bệnh nhận thuốc ARV qua nguồn BHYT chi trả.

Giải pháp để tiếp tục thành quả và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT cho điều trị HIV/AIDS trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Trong thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Các địa phương cần tiếp tục vận động đảm bảo các nguồn tài chính hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn (hiện 40/64 tỉnh, thành phố đã tự đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương); hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý việc tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị.

Đồng thời, các cơ sở điều trị HIV/AIDS cũng cần kiện toàn lại. Tính đến hết quý 2/2019, đã có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án và hoàn thiện tiếp công tác kiện toàn. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, với các cơ sở không hoàn thiện công tác kiện toàn phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác.

Với việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn BHYT, trong năm 2019 các đơn vị đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48.000 bệnh nhân; dự kiến trong năm 2020 sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV từ nguồn BHYT chưa cung ứng kịp; đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia; đôn đốc việc quyết toán sử dụng của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; đồng thời kiện toàn quản lý thông tin bệnh nhân và thông tin quản lý sử dụng các nguồn thuốc.

Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Quyền lợi khám, chữa bệnh trái tuyến với người tham gia BHYT được hưởng như thế nào?
Quyền lợi khám, chữa bệnh trái tuyến với người tham gia BHYT được hưởng như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi có BHYT và mới đi chữa bệnh trái tuyến. Vậy tôi có phải nộp thêm lệ phí gì không? Trường hợp có bảo hiểm y tế (BHYT) mà mắc bệnh hiểm nghèo mà phải dùng máy khám bệnh cao cấp các loại thuốc đắt tiền thì được hưởng bao nhiêu %?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN