Thời gian qua, công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 4.924.506 kg chất thải rắn và 769.647 m3 chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế quản lý được xử lý theo quy định.
Các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý đã triển khai, thực hiện các quy định, quy trình quản lý chất thải y tế. Đối với chất thải rắn, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế không có lò đốt hoặc lò đốt không hoạt động đều thực hiện việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung, ký hợp đồng với các công ty có đủ thẩm quyền vận chuyển và xử lý chất thải y tế.
Hai bệnh viện sử dụng lò đốt để xử lý chất thải y tế là Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức đều thực hiện quan trắc môi trường theo đúng quy định, kết quả quan trắc môi trường lò đốt của các bệnh viện trên đều đạt các chỉ tiêu môi trường...
Việc quản lý chất thải rắn y tế tại các đơn vị được thực hiện theo đúng quy định. Các đơn vị đã phân công cán bộ chịu trách nhiệm quản lý trong từng lĩnh vực, từ phân loại, thu gom, lưu giữ đến vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại đơn vị. Các cơ sở y tế đều thực hiện phân loại, thu gom chất thải y tế ngay tại nơi phát sinh, mỗi loại chất thải được phân loại và thu gom vào túi, thùng theo đúng màu sắc quy định.
Hàng ngày, cán bộ trực thực hiện thu gom chất thải vào cuối giờ làm việc hoặc khi cần thiết về nơi lưu giữ chất thải của đơn vị. Đồng thời, các đơn vị đã trang bị dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý chất thải y tế; phân loại, thu gom chất thải rắn y tế ngay tại nơi phát sinh; có sổ bàn giao chất thải y tế nguy hại theo đúng biểu mẫu của Bộ Y tế; có nơi lưu giữ chất thải y tế theo quy định.
Đối với chất thải lỏng, các đơn vị y tế đã xử lý bằng hệ thống chất thải lỏng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Hệ thống thu gom nước thải tại các cơ sở y tế, nước thải và nước mưa đều thu gom vào hệ thống xử lý nước thải lỏng chung của đơn vị trước khi xả thải ra môi trường. Hàng ngày có phân công cán bộ theo dõi, vận hành, thực hiện ghi chép hoạt động của hệ thống vào sổ theo dõi vận hành theo đúng quy định. Các đơn vị y tế đều thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường và có giấy phép đăng ký xả thải.
Ngoài ra, nhằm tăng cường giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành, phòng y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Theo đó, các đơn vị y tế phổ biến, phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa qua các kênh truyền thông của đơn vị, tờ rơi… cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.
Đồng thời, các đơn vị tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.
Các đơn vị y tế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của tập thể, cá nhân trong đơn vị; tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”.