Trong năm 2023, mạng lưới cấp cứu 115 của Trung tâm đã tiếp nhận 39.242 lượt yêu cầu cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh; trong đó đáp ứng được 39.241 số lượt (đạt 99,99%) yêu cầu cấp cứu gọi đến. Chất lượng phục vụ được quan tâm, tổng số người bệnh được phục vụ cấp cứu là 26.492 người, tỷ lệ xử trí cấp cứu ban đầu đạt 95,3%. Đối với bệnh nhân thuộc diện cấp cứu nặng, tỷ lệ được điều trị cấp cứu đạt 100%. Đặc biệt, năm 2023, mạng lưới cấp cứu 115 của Trung tâm đã đáp ứng cấp cứu 34 vụ cháy với 79 kíp cấp cứu cùng xe cứu thương, thực hiện cấp cứu 72 bệnh nhân, chuyển viện 33 bệnh nhân. Người bệnh được xử trí kịp thời, vận chuyển an toàn đến các bệnh viện để tiếp tục điều trị. Chất lượng cấp cứu ngừng tuần hoàn, ngừng tim ngoại viện được nâng cao nên đã tận dụng được tối đa “thời gian vàng” trong cấp cứu với việc cấp cứu thành công 28 ca ngừng tim ngoại viện trong năm 2023.
Mặc dù đã phát huy hiệu quả vai trò cấp cứu ngoại viện cho người bệnh, người bị tai nạn tại cộng đồng trên địa bàn thành phố nhưng hoạt động của mạng lưới cấp cứu 115 ở Hà Nội còn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là về cấp cứu ngoại viện và điều phối cấp cứu để phát triển hệ thống cấp cứu một cách đồng bộ, chuyên sâu.
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, nhưng hiện nay vị trí các trạm cấp cứu khu vực ở xa trung tâm. Số lượng trạm cấp cứu khu vực đã tăng lên thành 8 trạm với 15 kíp cấp cứu hoạt động mỗi ngày, nhưng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp cứu của người dân.
Hoạt động cấp cứu 115 của Trung tâm và các trạm mới đáp ứng được một phần nhu cầu cấp cứu tại khu vực nội thành và một số huyện vùng ven đô; với một số huyện ở xa, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng. Việc khó tiếp cận cấp cứu 115 do ở cách xa trung tâm dẫn đến khó đảm bảo "thời gian vàng" trong cấp cứu trước viện, nhất là đối với cấp cứu ngừng tuần hoàn, đột quỵ, chấn thương sọ não…
Ngoài ra, các vấn đề khác về hệ thống thông tin liên lạc, hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin; hoạt động điều hành, điều phối cấp cứu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ đãi ngộ… còn hạn chế. Chuyên ngành y học cấp cứu trước bệnh viện là một chuyên ngành còn non trẻ ở trong nước... nên chưa phát huy hiệu quả trong cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu sơ cứu, vận chuyển cấp cứu của người dân trên địa bàn, thời gian qua, Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh đã được trang bị xe cấp cứu có các thiết bị phù hợp cấp cứu ngoài hiện trường như: máy thở, bình ôxy, máy monitor, máy ép tim tự động, cơ số thuốc cấp cứu… Ê kíp y bác sĩ, xe cấp cứu đảm bảo trực cấp cứu 24/24 giờ và xử lý cấp cứu nạn nhân ngay khi tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2023, Trung tâm cấp cứu 115 đã ký kết hợp tác với Bệnh viện E và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh về việc phối hợp cấp cứu ngoại viện, hai bệnh viện này trở thành các trạm cấp cứu vệ tinh trong mạng lưới cấp cứu ngoại viện do Trung tâm điều phối. Ngoài 15 kíp xe được bố trí thường trực 24/24 giờ cấp cứu và vận chuyển cấp cứu người bệnh tại cộng đồng, 1 xe thường xuyên trực xử lý và vận chuyển người bệnh tâm thần, lang thang, Trung tâm cấp cứu 115 còn bố trí các kíp xe cấp cứu tham gia đảm bảo công tác y tế cho các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Trung tâm sẵn sàng đáp ứng y tế trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, tai nạn hàng loạt trên địa bàn và các tỉnh lân cận khi có yêu cầu. Đặc biệt, Trung tâm cấp cứu 115 quan tâm nâng cao chất lượng cấp cứu ngừng tuần hoàn, ngừng tim ngoại viện để tận dụng được tối đa “thời gian vàng” trong cấp cứu, nhờ đó đã cấp cứu thành công hàng chục ca ngừng tim ngoại viện.