Theo báo cáo Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến ngày 15/9, toàn tỉnh ghi nhận 3.375 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1 ca tử vong (giảm 67%). Huyện Chợ Mới có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 734 trường hợp, tiếp theo là huyện Châu Phú, thị xã Tịnh Biên... Thành phố Châu Đốc là địa phương có số ca mắc ít nhất với 132 ca.
Đối với bệnh tay chân miệng, tính đến hết ngày 15/9, số ca mắc trên địa bàn tỉnh là trên 2.820 trường hợp, tăng 16%. Huyện Chợ Mới ghi nhận số ca mắc cao nhất tỉnh với 781 ca, tiếp theo là huyện Thoại Sơn, Châu Thành... Thị xã Tịnh Biên là địa phương có số ca mắc ít nhất với 76 ca. Toàn tỉnh ghi nhận có hai ca tử vong do bệnh chân tay miệng, tăng gấp 2 so với cùng kỳ 2022
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, hiện đang bước vào mưa bão, mùa tựu trường, số ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng nhanh; nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các huyện huy động quần chúng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch. Ngành Y tế phối hợp với các địa phương tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần ở các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Tỉnh chỉ đạo ngành Y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực có ổ bệnh theo chỉ định. Đồng thời, ngành theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ bệnh.
Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Các bệnh viện, cơ sở y tế chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, phác đồ cấp cứu và điều trị; chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo; tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Ngành Giáo dục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục. Các nhà trẻ, trường mẫu giáo phải có nơi rửa tay, xà phòng cho người chăm sóc trẻ và trẻ em; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ dưới 5 tuổi.
Ngành Y tế An Giang khuyến cáo, người dân khi trẻ có dấu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.