Đoàn Mít tinh tuyên truyền về Tuần lễ Tiêm chủng Quốc gia năm 2018. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng và kêu gọi các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Các địa phương cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những “vùng lõm” về tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 95% trên quy mô xã, đặc biệt tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm, đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, công tác phòng chống dịch bệnh có vắc xin như sởi, bạch hầu, dại. Các điểm tiêm chủng dịch vụ phải đảm bảo chất lượng để người dân có thể tiếp cận tốt với các loại vắc xin; mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng.
Tiêm chủng cho trẻ em tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). |
Các bệnh viện cần tham gia tích cực trong công tác triển khai vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu. Các cơ sở y tế tích cực cập nhật thông tin Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia để quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tại Lễ mít tinh, bà Satoko Otsu, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao công tác tiêm chủng ở Việt Nam, khi mỗi năm Việt Nam chào đón khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời, hơn 95% trong số đó được tiêm chủng miễn phí phòng 10 loại bệnh truyền nhiễm đặc biệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bà Satoko Otsu cũng bày tỏ niềm vui khi Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc bảo vệ trẻ em khỏi các dịch bệnh thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng; Tổ chức Y tế Thế giới cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam đẩy lùi tỷ lệ tử vong ở trẻ em, phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% dân số trong cộng đồng được tiêm chủng để có miễn dịch chủ động phòng bệnh.
Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985. Với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Ngoài ra, việc đưa Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào hoạt động đã giúp quản lý đối tượng tốt hơn, theo dõi lịch sử tiêm chủng của trẻ đầy đủ và chính xác hơn, kịp thời nhắc các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.