Có 3 vắc xin mới sẽ đưa vào tiêm chủng, cha mẹ không nên lo lắng về tính an toàn

Bộ Y tế sắp đưa vào sử dụng 3 vắc xin mới trong Tiêm chủng mở rộng là: Sởi- Rubella do Việt Nam sản xuất, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five (Ấn Độ) và vắc xin bại liệt dạng tiêm IPV (Pháp); các vắc xin đều được đảm bảo tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, cha mẹ hoàn toàn yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng.

Cha mẹ yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo kế hoạch của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm sẽ có 3 vắc xin mới được triển khai tiêm rộng rãi trên cả nước. Đó là các vắc xin: Sởi- Rubella do Việt Nam sản xuất, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five (Ấn Độ sản xuất) và vắc xin bại liệt dạng tiêm IPV (Pháp sản xuất).


Cụ thể, từ tháng 4/2018, vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trong tháng 4, đã có 19 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai tiêm vắc xin mới cho gần 50.000 trẻ và không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm. MRVAC là vắc xin phối hợp bao gồm 2 thành phần: Virus sởi sống, giảm độc lực và kháng nguyên rubella. Vắc xin sởi - rubella MRVAC do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế POLYVAC (Bộ Y tế) sản xuất được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Sản phẩm được công ty Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine- Nhật Bản chuyển giao công nghệ.


Từ tháng 8 tới, vắc xin bại liệt tiêm IPV do hãng Sanofi của Pháp sản xuất sẽ được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo các chuyên gia, vắc xin tiêm IPV được tiêm 1 mũi cho trẻ lúc 5 tháng tuổi; so với trước kia trẻ được sử dụng vắc xin dạng uống với 3 liều vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các tuýp vi rút bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm.


Đặc biệt, cũng từ tháng 8 tới, vắc xin phối hợp 5 trong 1 ComBe Five thay thế vắc xin Quinvaxem sẽ được triển khai tiêm rộng rãi trên cả nước trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vắc xin ComBe Five do Công ty Biological E của Ấn Độ sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017. Vắc xin này có thành phần, công dụng tượng tự như Quinvaxem; đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới WHO và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Đây là vắc xin tương tự vắc xin Quinvaxem phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ComBe Five tương tự như các vắc xin 5 trong 1 có cùng thành phần. Trước khi quyết định đưa vào sử dụng, vắc xin ComBe Five đã được tiêm tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam là: Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bản và Thanh Liêm từ năm 2016. Kết quả, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc xin bao gồm: Phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%; sốt với tỷ lệ 34-39%; đặc biệt, không nghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng.


Theo Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Việc thay đổi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng có thể gặp phải không ít khó khăn bởi nhiều cha mẹ sẽ lo lắng về tính an toàn của các loại vắc xin mới, nhất là trong sự bùng nổ các thông tin chưa được kiểm chứng, truyền tải nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.


Đặc biệt, nhiều người sẽ lo lắng vấn đề chuyển đổi vắc xin Quinvaxem sang vắc xin ComBe Five, do ComBe Five là một loại vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào, sẽ có những phản ứng phụ sau tiêm cho trẻ như sốt, đau, quấy khóc…


Về những lo lắng khi chuyển sang tiêm vắc xin ComBe Five, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, vắc xin ComBe Five đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở 4 huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn. Đây là những phản ứng an toàn của trẻ sau khi tiêm.


Ông Phu cũng khẳng định: Bất kỳ một loại vắc xin nào trước khi nhập khẩu vào trong nước và đưa vào sử dụng cũng đều được trải qua đầy đủ các thủ tục, quy trình cấp phép rất nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn, chất lượng.


Vì thế, các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin mới đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Cách đuổi muỗi trong nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách đuổi muỗi trong nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết

Nhiều người không muốn sử dụng hóa chất diệt muỗi liên tục, tuy nhiên, vẫn có những cách tự nhiên, dễ làm lại có khả năng xua muỗi trong nhà hiệu quả trong mùa sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN