Gia tăng ca mắc COVID-19 ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, cùng với số ca mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng manh, số trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng lên hàng ngày, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Nếu như trước ngày 1/2/2022 con số này là 14,1%, thì sau ngày 1/2/2022 đã tăng lên 24,3%.

Chú thích ảnh
Học sinh Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Đà Nẵng nghiêm túc phòng dịch. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Số trẻ mắc COVID-19 gia tăng

Tuy rằng phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần), nhưng theo các chuyên gia y tế, có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Lứa tuổi này có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ diễn tiến nặng cao gồm: Trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện đã tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ có vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển đến điều trị.

Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác".

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có cần tiêm vaccine hay không?

Trả lời câu hỏi về việc cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hây không ?, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy cũng có trẻ có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Cá biệt có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp này hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỉ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Trong đó, nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chiếm tỉ lệ lên đến 8%. Nhóm 19,3% ca mắc là trẻ dưới 18 tuổi  là nhóm mà chúng ta cần hết sức lưu ý.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển chia sẻ: Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng.

Sớm mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tại 63 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy 78% ý kiến cho rằng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là 'Rất cần thiết, cần tổ chức tiêm càng sớm càng tốt'; 81% ý kiến 'sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19'.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước ta gia tăng nhạnh chóng. Chỉ riêng trong ngày 2/3, số ca mắc đã lên tới hơn 110.000 ca. Số ca mắc ở trẻ em cũng liên tục tăng do trẻ trở lại trường, các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus.
Để sớm triển khai tiêm chủng cho trẻ e lứa tuổi 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang thúc đẩy các thủ tục để dự kiến trong tháng 3 sớm hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

“Hiện nay chúng ta cơ bản đã thống nhất, chỉ còn là thủ tục. Dự kiến trong quý 1/2022, 7 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam. 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế cũng đã có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất, tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta cũng triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã tham khảo số lượng vaccine sử dụng trên thế giới, hiện nay đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/ BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất.

PV (TTXVN)
Nhiều địa phương điều chỉnh lịch đến trường vì số ca mắc COVID-19 tăng nhanh
Nhiều địa phương điều chỉnh lịch đến trường vì số ca mắc COVID-19 tăng nhanh

Trước diễn biến số ca F0 tăng trong cộng đồng, nhiều địa phương tiếp tục điều chỉnh lịch đến trường, cho đến khi có thông báo mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN