Đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng thành công cho lão bệnh nhân 80 tuổi

Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam (80 tuổi, quê ở Thái Nguyên) từng cắt thuỳ trên phổi trái do u tại Bệnh viện cách đây 10 năm.

Lần này, bệnh nhân xuất hiện thêm khối u lớn thùy dưới phổi phải, khi sinh thiết, bệnh nhân bị ung thư phổi biểu mô tuyến. Hình chụp PET/CT xuất hiện u tăng chuyển hóa mạnh (SUV= 13,6), không thấy hình hạch tăng chuyển hóa rốn phổi, trung thất. 

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật song tuổi cao, tiền sử đã mổ cắt thùy trên phổi trái nên bệnh nhân không muốn phẫu thuật.

Cuộc hội chẩn liên khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức đã được tiến hành. Kết quả hội chẩn bệnh nhân có chỉ định đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê ngắn đường tĩnh mạch. Sau đó, kim đốt đã được các bác sĩ đưa vào đúng trục dọc của khối u và kim được nối với máy phát sóng ngắn. Vì bệnh nhân có khối u lớn, các bác sĩ phải chia thành 2 liệu trình đốt để đảm bảo kết quả tối đa. 

Sau khi thủ thuật được thực hiện, suốt 3 tuần sau đó, vùng đốt hoại tử dần. 1 tháng sau, phim X quang ngực chụp lại cho thấy kết quả khả quan, một hình hang thành mỏng xuất hiện thay thế vị trí u. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Cung Văn Công, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương, đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính hay còn gọi là kỹ thuật đốt u bằng vi sóng là kỹ thuật đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Đông Nam Á, Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị đầu tiên có thiết bị và đã triển khai thành công kỹ thuật này. Kỹ thuật đã được bệnh viện ứng dụng để đốt u phổi qua da (xuyên thành ngực) và thời gian tới sẽ tiến hành đốt u phổi qua phẫu thuật nội soi hoặc khi phẫu thuật mở.

Điều trị đốt u phổi bằng vi sóng là hình thức gây hoại tử khối u tại chỗ bằng nhiệt. MWA sử dụng sóng điện từ trong quang phổ năng lượng vi sóng (300 MHz - 300 GHz) để tạo ra hiệu ứng làm nóng tổ chức mô trong khoảng thời gian đủ gây chết tế bào và hoại tử trong khu vực mô quan tâm. Hiệu ứng nhiệt sẽ gây đông vón, hoại tử và gây chết tế bào trong phạm vi tác động của sóng ngắn. Với kỹ thuật mới này các bệnh nhân ung thư phổi sẽ có thêm cơ hội được điều trị hiệu quả và kéo dài thời gian sống.

Những đối tượng bệnh nhân có thể áp dụng thực hiện phương pháp này bao gồm: Bệnh nhân mắc u phổi ác tính nguyên phát loại không tế bào nhỏ có đường kính ngang lớn nhất dưới 5 cm; bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng không muốn hoặc không thể phẫu thuật; những bệnh nhân có các nốt thứ phát đến phổi, số lượng ít có thể tiến hành đốt tiệt căn bằng phương pháp này; những bệnh nhân khối u đã lớn, với mong muốn điều trị giảm nhẹ.

Ưu điểm của phương pháp này là không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến cáo với những bệnh nhân u phổi kèm khí phế thũng nặng; bệnh nhân rối loạn đông, thiếu máu; bệnh nhân nhiễm trùng máu; mắc các bệnh hệ thống hay vị trí u quá khó để tiếp cận cần được hội chẩn trước khi áp dụng kỹ thuật này. 

Cũng theo Tiến sĩ Công, kỹ thuật này cũng có thể gây ra các biến chứng song thường ít gặp. Các biến chứng từ nhẹ đến nặng như: đau, sốt, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu, viêm phổi, viêm thành ngực cũng đã được y văn đề cập. 

Để giảm thiểu các biến chứng này, qua các ca bệnh đã được thực hiện tại bệnh viện, các bác sỹ tại Bệnh viện Phổi trung ương đã tuân thủ chặt chẽ các bước theo qui trình đã được Ban Giám đốc phê duyệt. Hiện 12 bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật này vẫn đang được theo dõi chặt chẽ, bước đầu cho thấy kết quả khá khả quan.

Bích Thủy (TTXVN)
Phẫu thuật u não bằng phương pháp 'Mổ thức tỉnh' lần đầu tiên tại Việt Nam
Phẫu thuật u não bằng phương pháp 'Mổ thức tỉnh' lần đầu tiên tại Việt Nam

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật u não bằng phương pháp “Mổ thức tỉnh” cho bệnh nhân 36 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN