Ngay sau khi bệnh nhân tử vong, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai đã phối hợp với trung tâm y tế phường phun hóa chất diện rộng tại khu vực nhà bệnh nhân nhằm tránh nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế ra vào khu vực có bệnh sốt xuất huyết tránh lây lan.
Ông Bạch Thái Bình cho biết, Tam Hiệp là địa phương tập trung đông công nhân lao động, nhiều nhà trọ công nhân. Dù đã có nhiều nỗ lực phòng chống bệnh sốt xuất huyết, nhưng đây vẫn được coi là một trong những điểm "nóng", có mật độ muỗi, côn trùng cao. Từ đầu năm đến nay, thành phố Biên Hòa là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Đồng Nai về số ca mắc sốt xuất huyết với khoảng 1.000 ca, nhất là ở những khu vực đông dân cư, tập trung nhiều nhà trọ.
Theo số liệu từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Thành phố Biên Hòa và các huyện Định Quán, Trảng Bom, Nhơn Trạch là những nơi có nhiều ca sốt xuất huyết nhất.
Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho biết, các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết vẫn được triển khai theo kế hoạch từ đầu năm tới nay, tuy nhiên đang là mùa mưa, là đỉnh điểm của bệnh nên các biện pháp được thực hiện tích cực hơn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về việc phòng chống sốt xuất huyết.
Đồng Nai với đặc điểm là nơi tập trung đông các khu nhà trọ cho công nhân, công nhân lại thường xuyên vắng nhà trong ngày gây khó khăn cho việc tổ chức tuyên truyền, vận động. Trung tâm y tế dự phòng đã thực hiện việc thay đổi giờ giấc phun hóa chất, tổ chức các buổi tuyên truyền vào buổi tối, sau giờ làm việc của công nhân; đồng thời giao cho UBND xã làm việc với các nhà trọ cam kết tuyên truyền cho người thuê nhà vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa; các đoàn thể vận động, kêu gọi người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh tại nơi cư trú, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm...