Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí eLife ngày 29/7, Viện khoa học Weizmann của Israel cho biết Oxytocin là loại hormone mà não sẽ tự động sản sinh bất cứ khi nào con người thực hiện hành vi âu yếm, ôm ấp và các tương tác gần gũi khác về mặt cơ học, ví dụ khi cha mẹ chăm chú quan sát đứa con mới chào đời hoặc một cặp vợ chồng trao nhau ánh mắt yêu thương. Tuy nhiên, oxytocin không chỉ là hormone của tình yêu, mà nó còn đóng vai trò tích cực trong các giao tiếp xã hội thông thường, hỗ trợ khi người mẹ trong quá trình sinh nở và cho con bú, giúp kiểm soát căng thẳng, làm gia tăng sự ngon miệng... cùng nhiều lợi ích hơn thế nữa.
Các nhà khoa học cho biết đã phát hiện ra quá trình oxytocin được tạo ra từ vùng dưới đồi, sau đó được bài tiết từ vùng dưới đồi thị, rồi chuyển tới tuyến yên trước khi được bài tiết vào máu. Nghiên cứu não bộ của loài cá ngựa vằn nhỏ trong suốt, các chuyên gia nhận thấy cũng giống như ở con người, loại hormone này được "gói" trong các viên nang lipid đặc biệt, giúp chúng đi vào các nút gọi là khớp thần kinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong môi trường nước mặn, oxytocin nhanh chóng được giải phóng khỏi các túi trong khớp thần kinh, và hormone này sẽ được bổ sung khi được khử mặn.
Trong các thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy các phân tử khác có ảnh hưởng đến sự tích tụ của các túi trong khớp thần kinh nêu trên, và theo đó đóng vai trò trong việc khôi phục oxytocin.
Từ những kết quả trên, các nhà khoa học kết luận sự bất thường trong hoạt động của oxytocin, hoặc sự thiếu hụt của hormone này sẽ dẫn đến chứng tự kỷ ở người. Đây được xem là một phát hiện quan trọng nhằm mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về hội chứng rối loạn này.