Chia sẻ về việc nghiên cứu sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn về tiếp nhận, thu thập, điều chế, bảo quản, lưu trữ và cung cấp huyết tương cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để sử dụng cho những trường hợp cần thiết.
Cũng theo TS. Bạch Quốc Khánh, phương pháp này là dùng huyết tương của người khỏi bệnh truyền vào cơ thể các bệnh nhân COVID-19, nhằm giúp hỗ trợ diệt virus.
Đây là phương pháp ít biến chứng và cần có chỉ định đặc biệt do huyết tương được tách chiết là chế phẩm máu đặc biệt. Việc sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh để điều trị COVID-19 là phương pháp điều trị cho bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường, nhưng virus trong cơ thể không giảm.
Đây cũng là phương pháp mới, Việt Nam chưa từng sử dụng, nên các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu tài liệu và có đánh giá kỹ lưỡng, cần thêm thời gian để nghiên cứu và đưa ra phương án cụ thể, vì phải đảm bảo tối đa an toàn cho người bệnh.
"Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có đủ công nghệ để thực hiện, do việc tách chiết huyết tương không khó khăn, máy móc và thiết bị tương tự với chiết tách các chế phẩm máu khác. Vì vậy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ phụ trách việc tách chiết huyết tương theo yêu cầu và cung cấp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương", TS. Bạch Quốc Khánh cho biết.
Theo khuyến cáo WHO đưa ra, huyết tương chứa kháng thể được chiết tách từ máu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh có thể truyền cho bệnh nhân COVID-19. Trên bệnh nhân, huyết tương chứa kháng thể sẽ giúp người bệnh chống lại virus gây bệnh.