Tính đến 18 giờ ngày 3/6, đã 48 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số 328 ca mắc..
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.169, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 103; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.104; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 962 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 3/6 có thêm 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được công bố khỏi bệnh: BN305, BN309, BN317, BN318.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch COVID-19, sau khi áp dụng các phương án điều trị theo tinh thần hội chẩn, tình trạng sức khỏe BN91 đã được cải thiện tốt hơn. Trong 2 ngày qua, các thông số ECMO được giảm dần và đến 8 giờ 30 phút sáng ngày 3/6, bệnh nhân đã ngừng sử dụng ECMO.
ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục và giảm được chấn thương áp lực cũng như ngộ độc oxy ở phổi.
Hiện nay BN91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, chức năng thận đã dần hồi phục.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của BN91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác”.
Trong những ngày tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.
Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.