Cần ứng dụng công nghệ số
Thời gian qua, việc chuyển tuyến điều trị đã có sự nới lỏng theo quy định thông tuyến quận huyện, thông tuyến tỉnh. Tuy nhiên, về cơ bản, bệnh nhân cũng phải đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để làm thủ tục chuyển tuyến. Vấn đề này lại liên quan đến nơi cư trú và khám chữa bệnh ban đầu.
Theo BS BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh), việc chuyển tuyến hiện nay cần phải được cải cách sao cho nhanh, gọn, ứng dụng công nghệ thông tin dữ liệu liên thông để một số cận lâm sàng không cần làm lại, góp phần nhanh chóng cho chẩn đoán tuyến trên và giảm chi phí điều trị của bệnh nhân.
Cụ thể, cần có sự liên thông thông tin giữa các cơ sở y tế thông qua cổng thông tin BHYT. Khi đó, giấy chuyển tuyến sau khi hoàn tất tại cơ sở y tế chuyển đi thì đã được gửi lên và chấp thuận tại cơ sở y tế chuyển đến và được tiến hành đăng ký, thông báo về việc đăng ký cho người bệnh qua cổng thông tin BHYT, giúp người bệnh hạn chế sự phải chờ đợi đăng ký nhiều lần, nhiều cơ sở.
Các chuyên gia cũng đề xuất, có thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục cho người bệnh và có thể liên thông được giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi triển khai hình thức này cần lưu ý phải có hệ thống công nghệ thông tin đồng đều giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Để giải quyết những khó khăn trong vấn đề chuyển tuyến, giấy chuyển viện hiện nay, cần có những đổi mới, cải thiện các quy định pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện các vấn đề phân tuyến, chuyển tuyến và cấp giấy chuyển tuyến để giảm tối đa phiền hà cho người bệnh, sát với thực tiễn, chuyên môn kỹ thuật mà vẫn đáp ứng được yếu tố cân đối chi trả quỹ BHYT”.
Theo đó, Bộ Y tế đang kiến nghị đồng bộ các giải pháp như: Sửa các quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến; ví dụ người dân có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã với phạm vi chi trả được mở rộng về danh mục thuốc, quản lý sức khỏe, thông tin người dân; để nếu người dân đến khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện thì người bệnh được chi trả 100%, nếu lên tuyến trên sẽ không có sự ưu việt như thế; người dân được quản lý toàn diện sức khỏe ở tuyến cơ sở.
“Phải có cơ chế tạo thuận lợi, như việc cấp giấy chuyển tuyến sẽ ứng dụng tin học hóa, chuyển đổi số; làm sao để giấy chuyển tuyến, giấy ra viện, giấy hẹn khám lại của người dân sẽ được số hóa, tin học hóa, sử dụng chữ ký điện tử, các thông tin cập nhật điện tử thuận lợi cho các cơ sở y tế quản lý sức khỏe người dân từ tuyến dưới và tuyến trên có thể tra cứu trực tiếp trên hệ thống quản lý sức khỏe của người dân. Hiện trong Đề án 06 của Chính phủ đang xúc tiến việc phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại vào hệ thống VSSID. Như vậy, người bệnh chỉ cần 1 chiếc điện thoại hoặc mã BHYT của mình, mã giấy chuyển tuyến để khi đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên được chuyển đến thì có thể nhanh chóng được tiếp nhận khám, chữa bệnh”, bà Trần Thị Trang cho biết.
Xây dựng các quy định, tạo sự thuận lợi
Về việc chuyển tuyến sao cho phù hợp, thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh ngay từ tuyến dưới là rất quan trọng; bên cạnh đó là thủ tục chuyển tuyến cần minh bạch, nhanh gọn, đơn giản.
Hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ để có những ưu đãi đặc biệt cho tuyến y tế cơ sở; Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 99, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư… về ưu đãi cho y tế cơ sở; tất cả những giải pháp này, sẽ được thể chế hóa bằng các quy định của Luật BHYT, các Thông tư hướng dẫn về phạm vi chi trả, những cơ chế cho y tế cơ sở để thu hút người bệnh về và tăng quyền lợi được chi trả để người bệnh thấy rằng, khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn đảm bảo chất lượng và quyền lợi được hưởng là tối đa.
Bà Trần Thị Trang cũng cho biết: “Chúng tôi đang có nghiên cứu giải pháp nghiên cứu và quy định trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Có những giải pháp có thể đổi mới ngay lập tức, quy định cụ thể, rõ ràng như: Bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được phê duyệt danh mục kỹ thuật nhưng bệnh viện không thực hiện được thì người bệnh có thể đi lên tuyến trên hoặc đến cơ sở ngang tuyến có kỹ thuật đó để khám, chữa bệnh mà vẫn coi là đúng tuyến. Điểm này có thể quy định một cách đổi mới, đột phá để người bệnh có thể khám, chữa bệnh kịp thời mà không nhất thiết phải có giấy chuyển tuyến; không nhất thiết phải đến cơ sở mà biết rõ là không có dịch vụ người bệnh cần hoặc cơ sở không có đủ thuốc chuyên khoa để điều trị cho người bệnh”.
Theo đó, tới đây, Bộ Y tế sẽ rà soát, sửa đổi các quy định trên cho rõ ràng, cụ thể hơn. Đơn cử như, các danh mục kỹ thuật của cơ sở y tế cái nào thực hiện được, chưa thực hiện được phải công bố công khai, từ đó người dân biết những cơ sở nào không có chuyên môn liên quan đến tình trạng bệnh của họ thì họ có thể đến cơ sở khác ngang tuyến, hoặc tuyến trên trên địa bàn để khám, chữa bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến.
Về vấn đề cơ sở y tế giữ chân người bệnh, không chiụ chuyển tuyến khi bệnh nặng, đây cũng là vấn đề khó về tiêu chí khi nào tuyến dưới phải chuyển tuyến. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu theo hướng quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, hoặc khi người bệnh nặng cần phải cân nhắc chuyển tuyến, nếu cố tình giữ bệnh nhân lại làm để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bệnh thì cơ sở phải chịu trách nhiệm; tương ứng với đó là có chế tài xử lý kỷ luật, vi phạm hành chính có biện pháp xử lý vi phạm về chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, cần có tiêu chí với một số các trường hợp cụ thể, bệnh nặng mức nào thì phải chuyển để bảo đảm công khai, minh bạch trong chuyển tuyến…
Về phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng cho rằng: BHXH Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia phải gắn liền với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính (cả của quỹ BHYT cũng như của người tham gia BHYT) không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.
Theo đó, nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc “chuyển tuyến” và đảm bảo đúng quy định, cần đẩy mạnh một số giải pháp như: Quy định cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản (tương đương cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện theo quy định hiện hành) là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khám, chữa bệnh ban đầu cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT; cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản (tương đương cơ sở KCB tuyến tỉnh theo quy định hiện hành) và cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu không điều trị các bệnh và không thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật mà cấp ban đầu có thể thực hiện được.
Cần nghiên cứu quy định chỉ áp dụng “thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT” giữa cơ sở khám, chữa bệnh các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu (như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật, Lao kháng thuốc, HIV) mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được. Giao Sở Y tế phối hợp BHXH các tỉnh, căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến khám, chữa bệnh của Bộ Y tế quy định và khả năng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh của địa phương để quy định các bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến.
Bên cạnh đó, cần quy định cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp chuyên sâu chuyển người bệnh về cấp cơ bản điều trị tiếp sau khi đã hết giai đoạn cấp tính đối với các trường hợp cần tiếp tục theo dõi, quản lý và điều trị nội trú; chuyển về cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu quản lý, theo dõi đối với các trường hợp bệnh mạn tính.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thực tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu hiện còn nặng về hành chính; thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiên hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Đặc biệt, việc áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến.
Cùng với đó là các giải pháp tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện như: Củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện, đào tạo, kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh.