Quá tải sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bệnh viện tuyến cuối
Trong lúc nhiều bệnh nhân nêu ý kiến “phàn nàn” về các thủ tục giấy chuyển viện hiện nay đang rườm rà về thủ tục, và còn đề xuất nên bỏ hình thức giấy chuyển viện, thì cũng có những ý kiến lo ngại: Nếu không cần giấy chuyển tuyến thì nhiều người bệnh mức độ nhẹ cũng vượt rào một cách không cần thiết. Điều này không chỉ gây ra tình trạng quá tải bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến quỹ BHYT.
Có thể lấy ví dụ: Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện có khoảng 50 phòng mổ, trong khi mỗi ngày Bệnh viện thực hiện mổ khoảng 250 ca mổ phiên, 30 ca mổ cấp cứu. Bệnh viện đã luôn trong tình trạng quá tải, người bệnh phải chờ đợi, xếp lịch mổ kéo dài trong khi bệnh viện không được từ chối người bệnh.
Lo ngại tình trạng quá tải khi người bệnh dồn hết lên tuyến trên nếu thông tuyến hoàn toàn, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: “Nếu bỏ chuyển tuyến, cùng với sự quá tải sẽ dẫn tới chất lượng điều trị giảm sút. Qua quá trình khám chữa bệnh cho người dân, chúng tôi nhận thấy việc người bệnh đổ dồn lên tuyến trên là do họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới”.
Một khó khăn nữa, theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với các quy định hiện nay, đã giao dự toán về bảo hiểm y tế cho các bệnh viện, các cơ sở y tế. Vì vậy để lập dự toán chính xác, cần phải theo đúng quy định, tránh tình trạng khi lập dự toán dựa trên căn cứ về mô hình bệnh tật về tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chuyển tuyến… Nếu thông tuyến hoàn toàn, bệnh nhân có thể đến thẳng tuyến Trung ương, gây ra tình trạng rất khó để dự toán quỹ BHYT để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”.
BS. Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Quỹ BHYT có giới hạn, nhưng với vai trò là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, Bệnh viện không thể từ chối bệnh nhân từ các tỉnh thành về khám và điều trị, trong đó có bệnh nhân BHYT. Từ khi thực hiện thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân tăng cao đột biến đã khiến chi phí sử dụng quỹ bảo hiểm y tế của đơn vị tăng cao, vượt quá khả năng dự đoán của đơn vị và đang đặt đơn vị vào thế khó. Khi hết quỹ bảo hiểm, bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới gián đoạn trong việc khám, điều trị cho người bệnh có BHYT”.
Hiện nay, kể cả ở các nước có nền y học phát triển, việc phân tuyến kỹ thuật, phân hạng bệnh viện để phục vụ cho khám, chữa bệnh vẫn được thực hiện. Tại Việt Nam, với chiến lược của Chính phủ, Bộ Y tế, từ năm 2016 đã triển khai thông tuyến BHYT tuyến huyện, năm 2021 đã thông tuyến tới tuyến tỉnh. Điều này tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
“Thông thường người dân khi đi khám vốn không biết mình bị bệnh gì, nên cần đến các cơ sở y tế gần nhất, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh ban đầu để có đánh giá, khám và chẩn đoán ban đầu, từ đó có định hướng chuyển lên tuyến trên nếu vượt quá khả năng điều trị. Trong trường hợp tuyến dưới có đầy đủ phương tiện chẩn đoán, điều trị thì sẽ giữ bệnh nhân lại điều trị mà vẫn đạt hiệu quả điều trị, giảm chi phí cho người bệnh, tránh quá tải không cần thiết ở tuyến Trung ương. Như vậy vẫn cần thiết phải giữ giấy chuyển tuyến bảo hiểm và cần thực hiện sao cho thuận tiện nhất với người bệnh”, PGS.TS Vũ Văn Giáp khẳng định.
Với những nỗ lực của tuyến dưới, hiện nay, về cơ bản, các thiết bị chẩn đoán, điều trị ở các cơ sở y tế đã giải quyết được đa số các loại bệnh mà người dân thường mắc; chỉ những trường hợp thực sự vượt quá khả năng so với điều kiện trang thiết bị, nhân lực, cơ sở vật chất thì mới cần chuyển tuyến lên trên. Trong trường hợp người dân có bất cứ vấn đề gì cần cấp cứu, có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, kể cả tuyến Trung ương. Với những trường hợp cấp cứu, người bệnh sẽ được tiếp cận ngay lập tức các dịch vụ y tế và tuỳ theo mức độ sẽ chuyển tuyến hoặc giữ lại và vẫn điều trị kiểm soát, chăm sóc y tế liên tục chứ không mất quãng thời gian dài chuyển tuyến để không làm mất thời gian vàng trong cấp cứu. Như vậy là vẫn có cơ chế mở cho người bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến Trung ương cũng cần có thêm điều kiện để phát triển, nghiên cứu các kỹ thuật mới, phương pháp mới, triển khai thành công những ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao các phương pháp kỹ thuật mới vào Việt Nam; sau đó chuyển giao các kỹ thuật này cho tuyến tỉnh và các tuyến dưới. Đây mới là mô hình để hệ thống y tế phát triển một cách đồng bộ, toàn diện, người dân sẽ được thụ hưởng chất lượng tốt ngay tại nơi mình sinh sống mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên.
Các chuyên gia khẳng định, việc phân tuyến điều trị cho người bệnh và chi trả BHYT là cần thiết, phù hợp với sự phát triển của hệ thống y tế. Vừa giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế gần nhất; vừa tạo điều kiện phát triển chuyên sâu cho tuyến trên.
Xây dựng niềm tin với người bệnh ngay từ tuyến dưới
Các chuyên gia y tế cho rằng, để hạn chế tình trạng người bệnh chuyển lên tuyến trên, điều quan trọng nhất vẫn là các bệnh viện tuyến dưới phải nâng chất lượng khám, chữa bệnh, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân.
Theo lộ trình phát triển hệ thống y tế, thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được chính các bệnh viện tuyến Trung ương “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ chuyên môn để mang lại chất lượng khám, chữa bệnh tốt, đưa kỹ thuật cao về tuyến dưới.
Theo BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh), để hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, Bệnh viện đã phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chỉ số quản lý chất lượng hàng năm đều được cải thiện theo hướng tăng lên tích cực. Cụ thể, đến nay bệnh viện đã làm chủ hơn 11.332 kỹ thuật y khoa, trong đó có các kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi cắt u trong ổ bụng, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, điều trị các bệnh lý gan mật, nối mật - ruột, tái tạo dây chằng, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật ngoại thần kinh... Đầu tư nguồn nhân lực gồm các bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia là các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi, tận tâm, thuốc, vật tư đầy đủ… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ, tăng cường hội chẩn các bác sĩ giỏi tại chỗ, với bệnh viện tuyến trên khi gặp ca khó, phức tạp nên tỷ lệ chuyển viện đã giảm còn rất thấp dưới 0,02%.
Có thể lấy ví dụ: Yên Bái là địa phương triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật khá thành công của Bệnh viện Bạch Mai. Tính đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao được 62 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và chuyên sâu với 159 cán bộ thầy thuốc được chuyển giao kỹ thuật và áp dụng vào khám chữa bệnh cho người dân của Yên Bái với tổng số trên 1,8 triệu lượt người bệnh được thực hiện khám chữa bệnh theo các gói kỹ thuật mới được chuyển giao. Người bệnh được khám chữa bệnh với các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao với chi phí thấp hơn do không phải về các bệnh viện tuyến Trung ương.
Tỷ lệ chuyển tuyến trung bình của tỉnh Yên Bái cũng đã giảm từ 5,66% năm 2017 (43.109 ca) xuống còn 3,41% năm 2021 (18.928 ca); tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái con số này còn 4,39%. Các cơ sở y tế đã từng bước chủ động thực hiện được các kỹ thuật đúng tuyến, người dân được chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời ngay tại địa phương.
Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, với trách nhiệm của bệnh viện tuyến cuối, Bệnh viện thường xuyên phối hợp rất chặt chẽ với các bệnh viện tuyến tỉnh để khi bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch, chuyển sang điều trị duy trì và phục hồi sẽ chuyển bệnh nhân về các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị, giảm tải cho tuyến trên. "Đặc biệt, khi chúng tôi chuyển bệnh nhân sau giai đoạn điều trị ổn định, chuyển xuống tuyến dưới thì tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng cần phải theo kịp, bắt nhịp được để tiếp tục phác đồ cho các bệnh nhân được chuyển về. Do vậy công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến luôn luôn cần được ưu tiên, chú trọng. Chúng tôi đã có nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới được chuyển giao thành công cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Với cách tiếp cận này, ngành y tế nhiều tỉnh có thể phát triển toàn diện" - PGS. TS Vũ Văn Giáp cho biết.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến Trung ương cũng có nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Hệ thống y tế đồng bộ là có sự phân cấp rõ ràng, hiệu quả: Tuyến Trung ương chỉ tập trung vào các kỹ thuật cao, chuyên sâu; tuyến tỉnh chỉ tập trung kỹ thuật cao, cơ bản để phục khám chữa bệnh tại địa phương.
“Tùy theo nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tỉnh, chúng tôi sẽ tư vấn về lộ trình, phương hướng phát triển, quy hoạch về y tế các tỉnh để phát huy tốt nhất nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tại địa phương… Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ, có sự đầu tư, nâng cấp để tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao về ngay tại địa phương. Có như vậy mới đảm bảo người bệnh không phải di chuyển đi xa khám chữa bệnh, chỉ chuyển tuyến khi thật sự cần thiết”, PGS.TS Vũ Văn Giáp khẳng định.
Khi được hỏi, nhiều người bệnh cũng khẳng định, không phải ai cũng muốn đi xa, vất vả, trừ những khi bệnh nặng, còn bệnh nhẹ thì đa số người dân đều có nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương cho gần. Mong muốn lớn nhất của người bệnh vẫn là tuyến dưới cũng có nhiều y bác sĩ trình độ cao, khám chữa bệnh chất lượng tốt để người bệnh không phải lo vượt tuyến mà được chữa bệnh tại chỗ. Còn trường hợp nếu tuyến dưới không điều trị tốt thì có thể giải quyết nhanh để người bệnh lên tuyến trên.
“Nếu cần phải chuyển viện, thủ tục chuyển viện mà đơn giản thì quá tốt cho người bệnh chúng tôi. Có thể sẽ không bỏ giấy chuyển viện nhưng nếu cải tiến về thủ tục thì quá tốt; vì đã đóng BHYT là chúng tôi cũng phải được đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh, được bảo hiểm chi trả đỡ tốn kém”, bệnh nhân Nguyễn Viết Bình (ở Hải Dương) chia sẻ.
Bài 3: Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng chuyển đổi số