Xin giấy mất 3 ngày
Trong giờ khám bệnh, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) đông nghịt bệnh nhân, người xếp hàng chờ khám, người ngồi vạ vật chờ kết quả.
Để lên Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh, ôngTrần Thanh Mỹ (61 tuổi, ở Nam Định) phải đi từ quê lúc 4 giờ sáng, bắt xe khách lên viện rồi lại chờ khám, xét nghiệm mất cả ngày.
Ông Mỹ mệt mỏi cho biết: “May mắn thì hôm nay tôi được về trong ngày vì đợt này kết quả xét nghiệm của tôi tốt hơn. Mọi lần cứ phải 2 ngày mới khám xong vì tuyến trên lúc nào cũng đông bệnh nhân”.
Ông Mỹ phải xin chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh 4 năm nay. Trước đó, ông đã từng mổ thận tại bệnh viện Bạch Mai và phát hiện viêm gan B. Thời gian đầu vì ngại thủ tục, ông tự vượt tuyến điều trị nên chi phí quá tốn kém. Sau đó, ông phải quay về xin giấy chuyển viện để được bảo hiểm chi trả. Vì điều trị định kỳ nên mỗi năm ông phải xin giấy chuyển tuyến một lần vào đầu năm. Có giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tỉnh lên thì bệnh viện trên này mới nhận điều trị bảo hiểm y tế (BHYT).
“Mỗi lần xin chuyển tuyến rất phức tạp, mất thời gian. Tôi đủ điều kiện được tuyến dưới cho chuyển lên vì bị phối hợp nhiều bệnh, nhưng khó khăn nhất ở khâu thủ tục giấy tờ. Mỗi năm xin chuyển tuyến tôi thường mất khoảng 2 – 3 ngày đi lại, đó là may thì được giải quyết ngay, không thì phải chờ đợi. Tôi đăng ký khám bệnh ban đầu tại trạm y tế xã nên phải xin từ cấp xã sau đó chuyển lên tuyến huyện, tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh rồi mới xin chuyển từ tỉnh lên được Bệnh viện Bạch Mai. Dù bệnh của tôi vẫn đang đủ điều kiện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng mỗi năm một lần, năm nào quay về xin lại giấy tôi cũng phải đi ngần ấy nơi, làm đủ ngần ấy bước, rất mất thời gian cho người bệnh. Biết là vất vả nhưng tôi vẫn phải chấp nhận”, ông Mỹ chia sẻ.
Lỉnh kỉnh xách theo đồ đạc, ông Nguyễn Viết Bình (ở Hải Dương) đi từ sáng sớm lên Bệnh viện Bạch Mai để làm thủ tục nhập viện mổ đoạn dây thần kinh bị tắc nghẽn ở cổ tay.
“Xin giấy nhiều thủ tục khó khăn, tôi đã xin mấy lần nhưng không được. Tuyến dưới họ trả lời kỹ thuật này làm được nên không cho chuyển tuyến. Tuy nhiên, tôi thấy tuyến dưới không tìm ra bệnh chính xác, nên phải chấp nhận tốn kém lên đây mới tìm ra bệnh”, ông N.V.B trần tình.
Cùng tâm trạng mệt mỏi với các thủ tục xin chuyển tuyến, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) phải tự đưa người nhà bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Để lên được tuyến trên điều trị đúng tuyến thì phải có giấy chuyển tuyến của bệnh viện tuyến dưới vì người nhà anh đăng ký BHYT tại tuyến huyện.
“Việc xin giấy chuyển lên tuyến trên rất rườm rà và mất thời gian. Để có được giấy chuyển viện, tôi phải mất nửa ngày. Mỗi lần muốn chuyển lên một bệnh viện tuyến trên nữa, thì phải thêm một lần quay về tuyến dưới để xin cấp lại giấy chuyển viện”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Tuấn Anh cũng cho rằng, nếu các bệnh viện có thể áp dụng công nghệ thông tin để người bệnh đỡ phải đi lại, giảm các thủ tục rườm rà và cấp giấy chuyển viện một lần tránh phiền hà đến người dân thì rất thuận lợi.
Đa số khi được hỏi về thủ tục giấy chuyển viện hiện nay, người bệnh đều lắc đầu ngán ngẩm cho rằng, chỉ mong thủ tục xin giấy chuyển viện, chuyển tuyến được nhanh chóng, thông suốt. Người bệnh phải chạy vạy xin giấy lo thủ tục nên rất mệt mỏi, luôn mong được chi trả BHYT, đỡ chi phí chữa bệnh.
Chấp nhận bỏ quyền lợi bảo hiểm vì thủ tục rườm rà
Cũng vì thủ tục xin giấy chuyển viện hiện nay còn nhiều trở ngại với người bệnh nên nhiều người“cắn răng” bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh; dù họ đã đóng BHYT với mong muốn được chi trả khi đi đau ốm.
Giữa tháng 11/2023, chị Nguyễn Thị Phượng (ở Bình Dương) đưa mẹ đi cấp cứu tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và được chẩn đoán là viêm não, viêm tuỷ. Sau khi nằm điều trị tại bệnh viện khoảng một tuần, bác sĩ cho xuất viện về nhà theo dõi. Tuy nhiên, vừa xuất viện về nhà được 3 ngày thì mẹ chị có dấu hiệu mệt, thở không được nên gia đình chị Phượng lại tiếp tục đưa mẹ đến bệnh viện này để cấp cứu. Sau đó, vì quá lo lắng cho tình trạng bệnh của mẹ nên gia đình chị Phượng đã xin bệnh viện được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng, bệnh viện cho biết, tình trạng bệnh của mẹ chị, không chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy được.
Chị Phượng cho biết: “Ở bệnh viện này, mẹ tôi được các bác sĩ chăm sóc rất tốt. Tuy nhiên, thấy tình trạng của mẹ tôi như vậy thì tôi không yên tâm tiếp tục điều trị tại đây. Vì sức khoẻ của mẹ là quan trọng nên tôi chấp nhận mất thêm tiền điều trị dịch vụ để được các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị”.
So sánh khi đưa mẹ đi cấp cứu tại hai bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, chị Phượng nói, cấp cứu ở bệnh viện tuyến dưới thì thuận tiện hơn vì bệnh viện ở gần nhà, không phải chờ đợi khám lâu, phòng rộng rãi ít người, người nhà có thể hỏi thăm bác sĩ điều trị được nhiều hơn. Còn khi đưa lên tuyến trên, do xa nhà nên việc di chuyển mất thời gian, bất tiện. Ở tuyến trên, bệnh nhân rất đông, lại nhiều bệnh nhân nặng nên bác sĩ không có nhiều thời gian trao đổi với người bệnh, người nhà như ở tuyến dưới.
Hay như ông Nguyễn Văn Hiền (66 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có bệnh nền viêm phổi tắc nghẽn và tăng huyết thường xuyên thăm khám ở bệnh viện tuyến quận cũng là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của ông.
“Khi tôi thấy tình trạng bệnh của mình ngày càng nặng hơn và muốn được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để khám và điều trị thì thủ tục xin giấy chuyển lên điều trị tại bệnh viện khó khăn. Vì vậy, tôi không xin giấy chuyển tuyến mà lên thẳng bệnh viện và khám dịch vụ, đành chấp nhận tự bỏ tiền đi khám cho nhanh”, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết.
Theo những người bệnh này, nếu các bệnh viện tuyến dưới mà trình độ tương đồng như tuyến trên thì thực sự người bệnh không ai muốn đi xa chữa bệnh. Nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới hiện không thể được như tuyến trên, chưa kể nhiều bệnh tuyến dưới không tìm ra được, chẩn đoán chưa chính xác. Nhiều bệnh viện tuyến dưới chưa thực sự có được niềm tin với người bệnh.
BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc chuyển tuyến yêu cầu bệnh nhân phải đến thăm khám tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, để các cơ sở quyết định việc chuyển tuyến điều trị là do yêu cầu của người bệnh hay do tình trạng chuyên môn của người bệnh. Nhiều cơ sở vẫn có phạm vi chuyên môn nhưng người bệnh vẫn muốn chuyển đi vì những lý do khác nhau và yêu cầu phải đảm bảo về y tế. Sau một số vướng mắc vì bệnh nhân phải xin chuyển từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thì tới nay đã có sự nới lỏng theo quy định thông tuyến quận huyện, thông tuyến tỉnh. Tuy nhiên, về cơ bản, bệnh nhân cũng vẫn phải đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để làm thủ tục chuyển tuyến. Vấn đề này lại liên quan đến nơi cư trú và khám chữa bệnh ban đầu”.
Bài 2: Phân tuyến khám, chữa bệnh là cần thiết