Đau bụng lâu dài có thể là dấu hiệu bệnh ung thư

Theo các bác sĩ, nếu có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm vi rút HP điều trị không hết thì nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa ung bướu để được tầm soát ung thư.

Ung thư dạ dày thường bị lầm tưởng viêm dạ dày

Mới đây chị Thanh Thủy, 52 tuổi (huyện Ninh Phước –Ninh Thuận) đã phải phẫu thuật để điều trị ung thư dạ dày. Theo lời kể của chị Thanh Thủy, hai năm nay chị thường xuyên bị đau bụng âm ỉ, đã đi khám và điều trị ở bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm dạ dày nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm, cơ thể chị ngày càng suy yếu, mệt mỏi những cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài. Sau khi đến khám tại phòng khám Ung Bướu tại bệnh viện đa khoa Xuyên Á, qua kết quả sinh thiết khối u dạ dày sau nội soi phát hiện chị bị ung thư dạ dày.

Chú thích ảnh
đau bụng âm ỉ kéo dài có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày. 

PGS.TS.BS. Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ung Bướu bệnh viện Xuyên Á cho biết, đối với trường hợp của bệnh nhân trên, nếu không được phẫu thuật điều trị loại bỏ khối u kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. Theo đó, các bác sĩ đã phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày cho bệnh nhân bằng phương pháp cắt bỏ bán phần dạ dày chứa khối u. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Trong thời gian sắp tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và hóa trị để ngăn ngừa những tế bào ung thư còn tiềm ẩn.

Chú thích ảnh
Ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị ung thư dạ dày với nhiều lợi ích như sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh chóng.

Theo PGS.TS.BS. Bùi Chí Viết, việc phẫu thuật cắt bán phần dạ dày điều trị những trường hợp bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật. Vì bệnh nhân có thể bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng, tránh trào ngược và nhanh chóng phục hồi.

Theo TS BS. Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp tại Việt Nam, tuy nhiên đại đa số ung thư dạ dày đều phát hiện trễ. Đa số người bệnh thường chủ quan vì nghĩ đau dạ dày là bệnh đơn giản mà không đi khám hoặc điều trị dứt điểm. Mỗi năm, bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận khoảng 250 - 300 trường hợp ung thư dạ dày đến điều trị. Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương…

Bác sĩ Võ Duy Long cho biết thêm, đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị… Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như nôn ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng... thì ung thư dạ dày đã bước vào giai đoạn tiến triển.

Có 4 nhóm yếu tố nguy cơ có thể bị ung thư dạ dày

Chú thích ảnh
Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh là rất cao.

Các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu bệnh viện Xuyên Á cho biết, trước thực trạng ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, những người sau 40 tuổi, nếu có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm vi rút HP điều trị không hết thì nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Ung Bướu để được tầm soát ung thư. Vì ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh là rất cao.

Chú thích ảnh
Đa số người bệnh thường chủ quan vì nghĩ đau dạ dày là bệnh đơn giản mà không đi khám hoặc điều trị dứt điểm.

Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Bệnh ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ sẽ mắc ung thư dạ dày cao hơn, bao gồm tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày; tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày... thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày... thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori.

Theo ý kiến của các chuyên gia, bệnh lý ung thư hiện nay là hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để phòng ngừa ung thư dạ dày, nên hạn chế ăn những thức ăn có nhiều muối, những loại thức ăn chế biến sẵn, các loại dưa muối để lâu ngày, các loại thịt xông khói... đặc biệt là lạm dung rượu bia. Thay vào đó là có một chế độ sống lành mạnh, thể dục, thể thao, năng vận động; ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả.

Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh có thêm một bệnh viện được đầu tư 1.500 tỷ đồng đi vào hoạt động
TP Hồ Chí Minh có thêm một bệnh viện được đầu tư 1.500 tỷ đồng đi vào hoạt động

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện thứ 2 trong Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-la (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để phục vụ các chuyên khoa sâu vừa đi vào hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN