Ông J.M. (76 tuổi), được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu bệnh viện trong tình đau ngực trái dữ dội, khó thở liên tục khiến ông không thể nằm, huyết áp tụt dần. Kết quả đo điện tâm đồ và xét nghiệm men tim cho thấy ông có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng chuyển ông J.M. đến khoa Tim mạch can thiệp.
Tại đây, êkip bác sĩ túc trực trong đêm đã kịp thời xử trí bằng các loại thuốc trợ tim nhằm nâng huyết áp và điều trị tích cực tình trạng suy tim. Ông J.M được đặt nội khí quản, thở máy và được thực hiện chụp mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành cho thấy, hệ động mạch vành của ông J. M. có những tổn thương rất nặng nề và phức tạp. Những đoạn mạch máu bên trái đã đặt stent cách đây 10 năm của bệnh nhân bị tái hẹp và xuất hiện những tổn thương mới ở cả động mạch vành bên trái và phải.
Theo lời kể người thân ông J. M., do chủ quan sau thành công của lần thông tim 10 năm trước nên ông không đi tái khám định kỳ mà chỉ uống lại toa thuốc cũ trong nhiều năm qua. Ngay khi phát hiện sự bất thường về sức khỏe của ông, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.
Chia sẻ về trường hợp của ông J. M., ThS BS. Trần Hòa, Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết việc điều trị cho người bệnh này rất phức tạp vì nhiều lý do như người bệnh lớn tuổi, thừa cân, có nhiều bệnh phối hợp, đã từng bị nhồi máu cơ tim 1 lần. Khi được đưa đến bệnh viện, người bệnh đã rơi vào tình trạng suy tim cấp, suy hô hấp cấp và cả suy thận cấp, phải gây mê và máy thở hỗ trợ trong quá trình can thiệp.
ThS BS. Trần Hòa cho biết thêm, những người bệnh tim mạch sau khi can thiệp động mạch vành vẫn còn có thể xảy ra các biến cố theo thời gian. Một số nguy cơ phổ biến như các stent đã đặt có thể bị tái hẹp hoặc bị tắc gây đau ngực tái phát hoặc bị nhồi máu cơ tim; người bệnh bị diễn tiến suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não…Việc tuân thủ điều trị là mấu chốt quan trọng để phòng tránh bệnh tái phát.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, người bị bệnh lý tim mạch tuyệt đối không hút thuốc lá, tập luyện thể lực thường xuyên, chế độ ăn giảm mỡ, giảm mặn…; điều trị các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hoá lipid trong máu; người bệnh phải đi tái khám định kỳ theo hẹn. Sau đặt stent, bắt buộc người bệnh phải uống thuốc để phòng ngừa tắc stent gọi là các thuốc kháng tiểu cầu.