Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho biết, trong năm 2019, bên cạnh duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới một tuổi đạt trên 95% trên phạm vi cả nước, Dự án TCMR sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương đặc biệt khó khăn để tăng tỷ lệ tiêm chủng thông qua tăng cường năng lực cán bộ, truyền thông, quản lý đối tượng và tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận dịch vụ TCMR hơn nữa.
Bên cạnh tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính, Dự án TCMR còn tổ chức tiêm bù vắc xin ComBE Five cho trẻ của các tháng cuối năm 2018 để đạt chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ trên 95% và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Trong năm 2019, Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng đủ mũi, các hoạt động tiêm chủng bổ sung để người dân chủ động đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phổ biến các kiến thức về theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng…
Năm 2018 là năm thứ hai Dự án TCMR được Chính phủ, Bộ Y tế giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tám loại vắc xin cho trẻ dưới một tuổi trên quy mô toàn quốc tăng từ 90% lên 95%. Năm 2018 là năm thứ 18 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 13 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Dịch sởi theo chu kỳ được khống chế, số mắc rubella ở mức thấp.
Viện đã triển khai thành công đưa vắc xin mới là vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) vào Chương trình TCMR với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI). Từ tháng 6-8/2018 vắc xin IPV được triển khai trên qui mô nhỏ tại bốn tỉnh của bốn khu vực. Từ tháng 9/2018 đến nay, vắc xin đã được triển khai tại tất cả các trạm y tế xã, phường, đã có 297.391 trẻ em trên cả nước được tiêm chủng vắc xin này.
Viện cũng đã chuyển đổi sử dụng thành công từ vắc xin sởi-rubella nhập khẩu sang vắc xin do Việt Nam sản xuất cho trẻ 18 tháng tuổi từ tháng 4/2018, chuyển đổi sang sử dụng vắc xin 5 trong 1 ComBe Five cho trẻ em dưởi một tuổi trên toàn quốc từ tháng 12/2018.
Hoạt động triển khai tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ tại nhiều địa phương được thúc đẩy với sự tham gia chủ động hơn của các bệnh viện. Bên cạnh đó, mô hình tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tiếp tục được mở rộng tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh ở mức cao trên 70% trong 11 tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Dự án TCMR đã triển khai hỗ trợ tập huấn tăng cường triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện của năm tỉnh là Bắc Giang, Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Bình và Khánh Hòa. Nhờ đó, kết quả tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh tại các địa phương được hỗ trợ đã được cải thiện rõ rệt.
Hoạt động tiêm vắc xin sởi-rubella và DPT 4 cho trẻ 18 tháng, tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai tiếp tục được các địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin này đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong hoạt động tiêm chùng chiến dịch bổ sung, xác định theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến sẽ diễn ra từ cuối năm 2018 đến 2019, để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 Dự án TCMR đã tổ chức ba đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ một đến năm tuổi tại các vùng nguy cơ cao.
Đợt một chiến dịch đã được thực hiện với 259.477 trẻ, đạt 96,7% kế hoạch tại 33 huyện thuộc sáu tỉnh miền núi phía Bắc là Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên. Đợt hai đã được triển khai đối với khoảng 535.000 trẻ tại 55 huyện của 13 tỉnh tại bốn khu vực. Hiện tại, các địa phương đang hoàn thành tiêm vét để đạt chỉ tiêu >95%. Đợt ba đang triển khai đối với khoảng 1,8 triệu trẻ tại 162 huyện của 20 tỉnh tại ba khu vực. Nhờ vậy, số ca bệnh sởi, rubella đã được khống chế kịp thời, số ca mắc sởi trong năm 2018 đã giảm rõ rệt.
Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào triển khai trên toàn quốc từ tháng 6/2017, đến nay đã có 11.183 (99%) trạm y tế trên cả nước sử dụng để quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân. Bên cạnh đó, đã có 2.261 cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở tiêm chủng dịch vụ triển khai hoạt động này. Trong năm 2018 có trên 1.700.000 trẻ em sinh ra được đăng ký trên Hệ thống để lưu trữ thông tin tiêm chủng cá nhân, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tiêm chủng tuyến cơ sở.