Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, cho biết: Khoảng 11 giờ ngày 6/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận trường hợp đầu tiên là cháu Ngô Văn Quốc (4 tháng tuổi, trú tổ 9, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trong tình trạng khó thở, sốt cao, quấy khóc, da có biểu hiện tím tái. Chiều cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận thêm năm trường hợp bệnh nhi có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn. Ngay sau đó, các bệnh nhân được tiêm hạ sốt, hai trường hợp nặng nhất được cho thở bằng oxy. Đến sáng 7/1, sức khỏe của các bệnh nhân đã tạm thời ổn định, các bác sỹ tiếp tục theo dõi và có thể sẽ cho xuất viện vào cuối ngày.
Chị Mai Thị Thủy, mej của bệnh nhi Ngô Văn Quốc, cho biết, sau khi tiêm vắc xin ComBE Five tại Trạm Y tế phường Him Lam, khoảng hơn một giờ thì cháu sốt cao, co giật, môi thâm, da tím tái nên gia đình đã đưa cháu nhập viện, người nhà rất hoang mang, lo lắng vì đây là loại vắc xin mới được triển khai lần đầu.
Theo ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất với chức năng phòng ngừa năm loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib. Loại vắc xin này thay thế cho Quinvaxem của Hàn Quốc đã ngưng sản xuất. Cũng giống như Quinvaxem, sau khi tiêm những mũi ComBE Five đầu tiên do cơ thể trẻ chưa thích nghi nên có phản ứng mạnh. Khi tiêm những mũi tiêm nhắc lại thì cơ thể thích nghi hơn nên phản ứng nhẹ đi.
Tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ComBE Five từ ngày 6/1 với 333 trẻ được tiêm tại thành phố Điện Biên Phủ (308 trẻ) và huyện Tủa Chùa. Trong số 333 trẻ được tiêm có 14 trẻ bị phản ứng nhẹ (sốt dưới 38 độ, sưng đau chỗ tiêm) và ba trẻ phản ứng nặng (sốt cao trên 39 độ, có biểu hiện co giật, quấy khóc kéo dài).
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng. Vắc xin được đánh giá an toàn, trẻ có những phản ứng với vắc xin là biểu hiện bình thường. Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, nếu trẻ sốt trên 38 độ thì có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp thông thường như nới lỏng quần áo cho trẻ, chườm nước ấm ở nách, trán, có thể dùng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ, quấy khóc, có biểu hiện run giật thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị.