Đây là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và trẻ mắc bệnh có nguy cơ chuyển nặng cao nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh do Adenovirus gây ra.
Trường hợp mắc bệnh vừa được phát hiện là bệnh nhi nam, 1 tuổi (trú tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Từ ngày 4/11, bệnh nhi có biểu hiện sốt, đỏ mắt. Ngày 7/11, bệnh nhi nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn trong tình trạng tỉnh, ho, khò khè với chẩn đoán viêm phổi cấp, tiêu chảy nghi do Adenovirus. Ngày 8/11, kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kết luận bệnh nhi dương tính với Adenovirus.
Theo điều tra dịch tễ, gia đình bệnh nhi gồm 8 người. Thời gian gần đây bệnh nhi không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do Adenovirus. Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát các đối tượng tiếp xúc gần trong gia đình và các đối tượng xung quanh, đồng thời bố trí phòng bệnh riêng để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, những tháng gần đây Bộ Y tế đã có cảnh báo về bệnh do Adenovirus. Do đó, sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhi mắc bệnh do Adenovirus tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, lực lượng y tế đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.
Đây cũng là cảnh báo cho toàn ngành y tế tỉnh trong việc tăng cường hơn nữa các biện pháp giám sát trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp. Đồng thời, ngành y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn về cách phòng, chống, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh Adenovirus để nhập viện, điều trị sớm, tránh lây lan rộng trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Lê Phúc, trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Trẻ có biểu hiện nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở. Bệnh do Adenovirus gây ra hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điệu trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus.
Nhóm trẻ có nguy cơ chuyển nặng cao là trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Để phòng lây nhiễm Adenovirus, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức để kháng cho trẻ; cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng các bệnh lý hô hấp khác.
Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó phổ biến nhất là khả năng gây viêm đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não… Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp giữa người với người.
Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Bác sĩ Lê Phúc chia sẻ.